Sự xuất hiện của các "đại gia" bán lẻ quốc tế với khả năng vốn lớn, kỹ thuật quản lý hiện đại, có kinh nghiệm kinh doanh cũng như sự hỗ trợ từ mạng lưới kinh doanh toàn cầu đang gây sức ép lớn lên hệ thống phân phối manh mún, còn mang nặng tính tự phát, thiếu bền vững của các DN Việt Nam.
Những đột phá... tạm thời
Sự ra đời của một vài hệ thống siêu thị như Hapro Mart, G7 Mart... thể hiện bước tiến ý tưởng của các DN trong việc thay đổi hệ thống bán lẻ manh mún cũ cho phù hợp với xu thế hiện đại. Cách đặt vấn đề của các DN này khá bài bản như: xây dựng bộ nhận diện, hình thức phục vụ chuyên nghiệp, đa dạng hóa các mặt hàng... Tuy nhiên những quyết tâm này vẫn bị xé lẻ vì điều kiện mặt bằng. Chính vì thế, cũng là Hapro Mart nhưng có chỗ rất hoành tráng, nhưng cũng có nơi chỉ có khoảng hơn trăm mét vuông, thậm chí có nơi còn không có chỗ để xe cho khách. Chính vì những lý do ấy nên giấc mơ về sự phát triển của hệ thống bán lẻ của DN Việt Nam vẫn chỉ là... giấc mơ. Trong khi ấy, sự có mặt của những Big C, Metro hay Parkosn... tại Việt Nam cũng giống như sự đổ bộ của hàng loạt gã khổng lồ trong lĩnh vực phân phối bán lẻ như Dairy Farm (Singapore); Lotte (Hàn Quốc) Wal - Mart (Mỹ) và Carrefour (Pháp) trong thời gian tới dễ khiến người ta liên tưởng tới cuộc chiến giữa chàng David nhỏ bé (các DN bán lẻ trong nước) với những gã khổng lồ Goliath (các tập đoàn bán lẻ quốc tế). Một cuộc chiến không cân sức và phải là những người lạc quan lắm mới có thể nghĩ tới một cái kết như trong truyền thuyết.
Sức hút đầu tư
Theo báo cáo đánh giá của một số tập đoàn chuyên nghiên cứu thị trường, Việt Nam đang trở thành một điểm đến đặc biệt hấp dẫn đối với các tập đoàn bán lẻ thế giới. Thực tế đang chứng minh điều đó, song thị trường bán lẻ có thật sự bùng nổ ở Việt Nam như dự đoán?
Dưới cái nhìn của các nhà kinh doanh chuyên nghiệp, hiện thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn đang ở dưới mức phát triển. Tuy nhiên, với hơn 80 triệu dân cùng cơ cấu dân số trẻ, mức thu nhập bình quân đầu người đang tăng mạnh từ 4 năm qua (trung bình 8%), tăng trưởng GDP và tốc độ thu hút đầu tư nước ngoài liên tục tăng cao, Việt Nam đang là đích ngắm đầy hứa hẹn của các chủ đầu tư và các nhà kinh doanh bán lẻ quốc tế. Bên cạnh đó, đời sống ngày càng nâng cao, thị hiếu và thói quen về mua sắm của người Việt Nam - đặc biệt là giới trẻ có nhiều thay đổi lớn. Đây chính là sức hút lớn đối với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài. Hiện nay, riêng TP HCM đang có khoảng 10 trung tâm thương mại lớn hoạt động rất có hiệu quả như Diamond Plaza với tổng diện tích cho thuê 8.000 m2 và đạt hiệu suất xấp xỉ 100%, Trung tâm Thương mại Sài Gòn với tổng diện tích cho thuê 9.000 m2 và hiệu suất 94%, Zen Plaza chuyên về lĩnh vực thời trang với 6.817 m2 diện tích cho thuê và hiệu suất đạt 100%, Trung tâm Thương mại Parkson với 17.000 m2 và hiệu suất đạt 100%, Saigon Tax Plaza với 14.760 m2 cho thuê và công suất đạt 100% hay trung tâm thương mại lớn nhất hiện nay là Thuận Kiều Plaza với tổng diện tích 21.797 m2, An Đông Plaza, Saigon Superbowl...
Trong bảng xếp hạng chỉ số phát triển năng lực bán lẻ toàn cầu do A.T. Kearney tiến hành, Việt Nam tăng 5 bậc, lên vị trí số 3, sau Ấn Độ và Nga. Trong khi Trung Quốc lại rớt từ hạng 4 năm ngoái, xuống hàng thứ 5 trong danh sách. |
Hà Nội tuy đi sau trong lĩnh vực này song hiện cũng đang có 3 trung tâm thương mại lớn là Vincom City Tower, Tràng Tiền Plaza hay Bourbon Thăng Long (Big C). Hàng loạt trung tâm thương mại tại các thành phố lớn khác như Nha Trang, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, cùng một số lượng không nhỏ hệ thống siêu thị mọc lên khắp nơi và hầu hết đều đạt hiệu suất cho thuê, đang tạo được sức hút lớn đối với người tiêu dùng.Chấu ngã hay xe nghiêng?
Từ 1/1/2009, Việt Nam sẽ mở cửa cho các DN 100% vốn nước ngoài vào thị trường bán lẻ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Đề án tổ chức thị trường bán lẻ của Bộ Công Thương vẫn đang là... dự thảo. Không lâu nữa, tình trạng cạnh tranh quyết liệt sẽ xảy ra nhưng sự chuẩn bị của các siêu thị, trung tâm thương mại dường như vẫn chỉ... trên giấy.
Ngay dự thảo Đề án tổ chức thị trường bán lẻ của Bộ Công Thương cũng chỉ ra rằng, thị trường bán lẻ Việt Nam phát triển không bền vững, dễ bị tổn thương trước tác động của giá thị trường thế giới và những đột biến về cung cầu trong nước... Theo các chuyên gia, hệ thống bán lẻ của Việt Nam đã và đang bộc lộ rõ 3 điểm yếu rất cơ bản cần phải khắc phục ngay, đó là tài chính, hậu cần và tính chuyên nghiệp. Nguồn vốn của hầu hết các nhà phân phối trong nước hiện nay rất yếu. Ngoài ra, kinh doanh siêu thị đòi hỏi một hệ thống hậu cần chuyên nghiệp từ nhập hàng cho đến các khâu chứa hàng, dự trữ và bảo quản. Để làm tốt về hậu cần, hệ thống siêu thị Metro đã phải đầu tư 20 - 25 triệu EUR để trang bị hệ thống cung ứng hàng. Theo đó, Metro cũng đã chi tới 800.000 EUR cho công tác huấn luyện liên quan đến nghiệp vụ mua, trưng bày, bán hàng và cách bảo quản. Tính chuyên nghiệp cũng đòi hỏi rất cao trong kênh phân phối hiện đại. Bài học từ một số trung tâm thương mại “chết yểu” như Nhật Nam, Trung tâm Thương mại Sài Gòn Tourist... đã minh chứng rất rõ điều này.
DN trong nước cần chính sách hỗ trợ
Trong kế hoạch của mình, Bộ Công Thương sẽ lựa chọn để tập trung hỗ trợ, hình thành 15 - 20 nhà phân phối lớn, tạo ra một hệ thông phân phối mạnh làm nòng cốt cho việc bình ổn thị trường, tăng cường năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập và mở cửa về lĩnh vực phân phối. Thách thức lớn nhất đối với các nhà phân phối Việt Nam lúc này là phải cạnh tranh không cân sức với các tập đoàn quốc tế có sức mạnh về tài chính, thế mạnh về công nghệ quản lý, thương hiệu và kinh nghiệm. Trong khi các tập đoàn này dễ dàng đầu tư hàng chục triệu USD để xây dựng các siêu thị rộng vài ha và thậm chí sẵn sàng chịu lỗ để thu hút khách hàng thì các nhà phân phối Việt Nam đang gặp khó khăn về nguồn vốn, nhân lực và công nghệ khi triển khai các dự án.
Vì vậy, Nhà nước cần sớm xây dựng định hướng, chiến lược cho sự phát triển của hệ thống phân phối cả về hạ tầng thương mại, hệ thống pháp lý, đào tạo nhân lực... tạo môi trường ổn định cho DN phát triển. Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích DN trong nước đầu tư đổi mới và mở rộng hệ thống phân phối bằng các nguồn vốn ưu đãi trong các chương trình phát triển, có chính sách ưu đãi về thuế và đất đai, đổi mới công nghệ cũng như được hỗ trợ về thông tin thị trường, dự báo giá cả và xúc tiến thương mại.
Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Việt Nam: Quan trọng là nội lực Trước mắt các DN phân phối bán lẻ Việt Nam chưa gặp khó khăn do phải cạnh tranh trực tiếp với các tập đoàn phân phối nước ngoài. Điều mà các DN sẽ phải chuẩn bị ứng phó đó chính là những nguyên nhân nội tại từ DN và yếu tố khách quan của thị trường. Thứ nhất, theo số liệu thống kê, tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ trong 11 tháng của năm 2008 chỉ đạt mức tăng 6% với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng là khoảng 27% (năm 2007 tổng mức lưu chuyển hàng hoá tăng 22% so với 2006). Điều này xuất phát từ nguyên nhân nền kinh tế khó khăn, người dân cắt giảm chi tiêu. Vì vậy các tập đoàn phân phối nước ngoài cũng sẽ phải tính lại bài toán đầu tư vào Việt Nam bởi việc phát triển hệ thống bán lẻ hoàn toàn phụ thuộc vào quy mô dân số và sức mua. Mặt khác, theo quy định, DN phân phối bán lẻ nước ngoài muốn lập điểm bán lẻ thứ hai phải xin phép. Chắc chắn trong bối cảnh hiện nay sẽ không có việc các tập đoàn phân phối nước ngoài ồ ạt đầu tư vào Việt Nam. Thứ hai, trong lúc này các DN sẽ phải xây dựng lại hệ thống quản trị, phát triển nguồn nhân lực, tạo chuỗi phân phối khép kín- xây dựng vùng nguyên liệu và mở rộng liên kết. Theo tôi điều quan trọng nhất hiện nay vẫn là nỗ lực từ phía các DN trong nước để phát huy được nội lực, bởi khi cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài, DN trong nước sẽ học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm trong quản lý. Ông Phạm Đình Đoàn - TGĐ Phú Thái Group: Khó nhất là mặt bằng Thị trường không của riêng ai, trong một sân chơi chung, bản thân DN phải vận động để giữ thị phần và củng cố thị phần cho riêng mình. Trong lĩnh vực phân phối, các DN đầu tàu của Việt Nam hiện nay hoàn toàn có thể cạnh tranh được với các tập đoàn nước ngoài. Rất nhiều người cho rằng năm 2009 sẽ là năm rất khó khăn nhưng tôi lại nghĩ 2009 là năm thuận lợi cho sự phát triển bởi thị trường Việt Nam vẫn rất rộng lớn, chưa khai thác hết. Các DN Việt Nam vẫn có lợi thế vì đã quen thuộc tập quán của người tiêu dùng trong nước và có địa bàn. Vấn đề DN tận dụng lợi thế đó như thế nào. Điều quan trọng nữa là nếu như DN phân phối nước ngoài vào mang theo nhiều sản phẩm từ các nước khác nhau thì DN trong nước cần tập trung khai thác các sản phẩm đang là thế mạnh trong nước. Đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của các DN trong nước vẫn cần có sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ và các cơ quan quản lý. Trước hết phải tập chung vào các DN điển hình để tạo sự bứt phá thành các đầu tàu. Mặt khác cần có một quy hoạch tổng thể cho ngành phân phối, tránh đầu tư chồng chéo gây lãng phí. Không những không phát huy được nội lực mà còn triệt tiêu lẫn nhau. Đặc biệt, khó khăn lớn nhất hiện nay của các DN phân phối Việt Nam là mặt bằng - một yếu tố tiên quyết để thành công trong lĩnh vực này. |