Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
An Giang: Lúa ngập do công trình chống lũ?
30 | 07 | 2009
Dọc theo quốc lộ 91, đoạn từ cầu Tha La đến cầu Trà Sư thuộc ấp Trung Bắc Hưng, xã Nhơn Hưng lúa được vận chuyển từ ngoài đồng vào chất thành dây dọc cặp mé đường, ken kín cả bờ kênh.

Chúng tôi ngỡ ngàng khi nhìn thấy cả cánh đồng lúa chìm trong biển nước mặc dù nước lũ vẫn chưa về. Chỗ ngập sâu đến ngang mông, chỗ cạn cũng trên đầu gối. Trên cánh đồng trắng xóa nước những người cắt lúa vẫn hì hục cắt từng bông, từng mớ nhỏ.

Ông Độ ngao ngán: Lúa ướt, lại cắt ngắn nên sót rất nhiều. Hơn nữa cọng lúa ngắn quá khi suốt bông lúa sẽ theo rơm ra ngoài hết, tỷ lệ hao hụt rất cao. 8 công lúa trước tôi suốt chỉ được 7 bao/công tức là khoảng 15 giạ. Tiền cắt hết 3,5 giạ, tiền suốt 120.000 đồng/công, rồi tiền mướn người phơi lúa. Mưa hoài không có chỗ phơi phải đem đi sấy giá 9.000 đồng/bao. Tính hết chi phí, mong sao huề vốn”, ông Độ thở dài.

Ông Cao Văn Độ làm lúa gần 20 năm ở nơi này nhưng đây là lần đầu tiên phải lâm vào cảnh điêu đứng. Tất cả 20 công lúa của ông đều bị ngập lút cổ bông. Ông Độ chỉ chúng tôi đám lúa đang cắt vẫn chưa chín hết bông, còn 12 công chưa cắt thì chỉ mới chín được chừng phân nửa. “Đám này phải 5 ngày nữa cắt mới vừa, còn đám xanh kia phải gần 10 ngày nữa. Xanh cũng phải cắt mặc dù như vậy chỉ ăn phân nửa, bỏ phân nửa, chứ còn để thì chỉ cần thêm một đám mưa là tiêu hết”, ông Độ nói giọng tiếc nuối. Còn bà Chương Thị Sem cũng đang lo ngay ngáy vì vẫn còn 15 công lúa bị ngập nằm cạnh đất ông Độ chưa tìm được nhân công cắt.

Những người dân địa phương cho biết tình trạng gây trắng ở cánh đồng lúa Trung Bắc Hưng là do công trình chống lũ ở kênh Tha La và kênh Trà Sư. Theo họ do công trình thi công múc đất cao làm bờ bao nên thời điểm xuống giống không có nước. Nhiều chủ ruộng phải tự bơm hoặc chờ mưa nên xuống giống trễ dẫn đến thu hoạch trễ như hôm nay. “Những ngày trước tụi tui đã thông báo nước lũ từ dòng kênh Tha La tràn vào đất ruộng và yêu cầu đắp kín đầu đê nhưng chính quyền không làm. Đến khi nước tràn vào nhiều, cộng thêm mưa lớn không chỗ thoát đã gây ngập nặng thì họ mới đắp đê”, một người dân cho biết.

(Theo NNVN)



Báo cáo phân tích thị trường