Aprocimex là doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi (TACN) phạm vi hoạt động rất rộng. Công ty có đầu mối trên toàn quốc để cung cấp hàng hóa, thu mua nông sản. Bên cạnh đó, công ty cũng đầu tư các thiết bị công nghệ đặc biệt là công nghệ mới trong lĩnh vực lắp đặt các nhà máy chế biến.
|
Ông Đoàn Trọng Lý. Ảnh KG |
- Xin ông cho đánh giá tổng quan về ngành TACN trong năm qua?
Suy giảm kinh tế đã ảnh hưởng rõ rệt đến tốc độ phát triển của ngành chăn nuôi. Nếu như năm 2006 và 2007, ngành chăn nuôi phát triển mạnh với tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 20-25%. Thì đến cuối năm 2008, tốc độ tăng trưởng ngành suy giảm đột ngột và kéo dài cho đến nay. Tôi cho rằng tình hình cho đến hết nửa năm 2010 cũng chưa có dấu hiệu khả quan.
- Ngoài những khó khăn do suy thoái kinh tế, chúng ta còn phải đối mặt với những thách thức khác?
Khí hậu phức tạp của nước ta cũng gây khó khăn không nhỏ cho ngành chăn nuôi. Việt Nam là một nước nhiệt đới, nhiều gió mùa, ẩm thấp, cũng không có lợi cho chăn nuôi. Nạn dịch bệnh hoành hành hàng năm như cúm gia cầm, lở mồm long móng ở lợn, lợn tai xanh.… hàng năm phải tiêu hủy đi hàng triệu con gà, hàng trăm ngàn con lợn.
Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của sự biến đổi khí hậu. Khu vực miền núi bị ảnh hưởng rất lớn, đến nay, thậm chí ngay cả ở đồng bằng sông Hồng, miền Trung và miền Nam. Vừa rồi, miền Trung nhiều tỉnh mất trắng mùa vụ.
Biến đổi khí hậu có tác động rất lớn và ngày càng nghiêm trọng. Đây cũng là nhận định của các nhà cảnh báo trong nước và quốc tế. Điều kiện đã khó khăn như vậy, doanh nghiệp và người chăn nuôi còn gặp khó trong tiêu thụ, tiêu thụ không có lợi nhuận. Chăn nuôi bị ảnh hưởng, thì ngành thức ăn chăn nuôi cũng chịu chung số phận.
Thế còn tình hình APROCIMEX, ông có thể chia sẻ một số thông tin?
Riêng APROCIMEX, là một người bán thức ăn, năm 2008 bán được 1,5 triệu tấn, 2007 xấp xỉ 1 triệu tấn, 2009 giảm chỉ còn khoảng 800 ngàn tấn. Người dân chăn nuôi thì không có lãi. Vấn đề này không chỉ ngành chăn nuôi gia cầm, mà cả nuôi cá, tôm,… cũng thế. Dân thua lỗ dẫn đến sản xuất thiếu, càng sản xuất càng lỗ, cho nên không đủ lượng để xuất khẩu.
- Ông đánh giá như thế nào về tác động của các chính sách điều hành và quản lý ?
Các loại chính sách tiền tệ, chính sách đầu tư, chính sách quản lý luồng thực phẩm… còn nhiều bất cập. Chăn nuôi là ngành sản xuất chính của nông nghiệp nước nhà nhưng không được bảo hộ. Ngành chăn nuôi không hề có một chính sách bảo hộ nào cụ thể và hữu hiệu. Tôi nghĩ rằng chính phủ nên phát triển bảo hiểm chăn nuôi cho nông dân và hỗ trợ nông dân về vốn.
Đặc thù của chăn nuôi là quay vòng vốn nhanh, vì vậy cho vay ưu đãi với nông dân không phải vấn đề quá khó khăn. Chính phủ cũng đã có nhiều biện pháp, chính sách tiền tệ, nhưng trong các chính sách của chính phủ tôi chưa thấy một ưu đãi nào cho người nông dân chăn nuôi. Trong khi ở các nước khác, có chính sách cho chăn nuôi rất hữu hiệu. Các nước người ta ưu tiên rất nhiều cho nông dân: ưu tiên từ khâu đầu vào chăn nuôi cho đến khi bán sản phẩm. Không chỉ thế họ còn ưu tiên cho các nhà đầu tư chế biến.
Ảnh hưởng của hàng ngoại nhập đối với sản xuất trong nước là rất lớn. Hiện nay Việt Nam đang nhập nhiều thực phẩm, đặc biệt là phụ phẩm như nội tạng động vật… Đây là những thực phẩm mà các nước không sử dụng, có thể gọi là phế thải thực phẩm, người ta nghiền, xay làm thức ăn chăn nuôi. Trong khi đó, Việt Nam thì nhập về bán với giá ngang ngửa với các thực phẩm chính, làm cho người nông dân chăn nuôi bị thua thiệt. Họ phải nhập thức ăn giá cao để chăn nuôi, cung cấp các sản phẩm tốt có giá trị cao nhưng vẫn phải bán với giá thị trường có khi còn thấp hơn giá trị. Tôi cho rằng để xảy ra tình trạng này là do quản lý chưa chặt. Bộ Nông nghiệp, các cấp, ngành cần kiến nghị với Chính phủ về chính sách bảo hộ, cụ thể là kiến nghị các sản phẩm giá trị thấp như thế không được nhập về.
Nhập khẩu nhiều nguyên liệu, nguồn ngoại tệ sẽ trở thành một khó khăn lớn, thưa ông?
Việt Nam nhập khẩu lượng lớn TACN, đặc biệt là nguồn có giá trị dinh dưỡng cao nên phụ thuộc nhiều vào chính sách tiền tệ, đặc biệt là nguồn USD. Ngành chăn nuôi cũng là ngành thiết yếu nhưng không được nhà nước tạo điều kiện về nguồn USD. Hiện chỉ có một số ngân hàng như Vietcombank, Agribank là có đủ nguồn USD để cung cấp theo giá NHNN quy định. Ngoài ra, chỉ phải mua USD trên thị trường tự do. Khi mua USD thường phải bù chênh lệch, có thời gian cao điểm lên đến 2-2,5 tỷ/ 1 triệu USD. Tiền chênh này doanh nghiệp chúng tôi không được thanh khoản, không có chứng từ. Khi hạch toán vào giá thành, phải hạch toán lỗ.
Về chính sách đảm bảo nguồn USD, Nhà nước có khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu bán USD. Nhưng tôi nghĩ không có chế tài, chỉ vận động, khuyến khích thôi thì không đủ. Các doanh nghiệp này đã được ưu đãi để xuất khẩu, không có cớ gì không bán USD cho Nhà nước. Nhà nước cũng cần ưu tiên rõ ràng cho DN nhập khẩu nông nghiệp mua USD. Điều khiển tiền tệ bất ổn trong khâu điều hành đồng USD như hiện nay sẽ tạo kẽ hở cho tham nhũng. Đơn cử khoản chênh mua USD, Nhà nước đã mất 5% VAT của khoản này.
Xin ông cho biết dự báo về tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngành TACN trong năm 2010?
Năm 2010, doanh nghiệp sẽ yếu đi do không dám sản xuất nhiều. Nhà nước thắt chặt tài chính, đáng lẽ cần thắt chặt vào quý 2,3, quý 4 phải thông thoáng cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất cuối năm. Chỉ có phát triển sản xuất mới giải quyết được vấn nạn lạm phát.
Mặc dù nhà nước triển khai gói kích cầu, đã cứu nhiều doanh nghiệp, vực dậy sản xuất, nhưng nếu không có chính sách tiền tệ hữu hiệu tiếp theo thì các doanh sẽ tiếp tục yếu đi khi không còn gói kích cầu. Bên cạnh đó cũng phải đồng bộ với vấn đề quy hoạch. Xây dựng các nhà máy chế biến,…
Ông có kiến nghị chính sách gì để hỗ trợ doanh nghiệp trong năm tới?
Việc cần thiết nhất là chính sách đầu tư cho nông nghiệp: thủy lợi, đầu tư tài chính hiệu quả; giống, đưa giống đảm bảo chất lượng; quy hoạch vùng đầu tư lâu dài; đầu tư công nghệ, đặc biệt là công nghệ chế biến, các nhà máy chế biến; Phát triển hệ thống marketing của từng miền, từng khu vực, điều tra nhu cầu của các thị trường để có thể cung cấp sản phẩm phù hợp.
Cần thay đổi cách quản lý tiền tệ, chính sách tiền tệ. Thứ nhất cần có sự bảo mật thông tin cần thiết. Thứ hai, theo như tôi đã nói trên, cần có chế tài đối với chính sách huy động nguồn ngoại tệ từ các doanh nghiệp xuất khẩu và ưu tiên mua ngoại tệ với các doanh nghiệp nông nghiệp nhập khẩu. Có như vậy thì mới đảm bảo cung, cầu và ổn định đồng tiền.
Xin cảm ơn ông!
Lan Anh – Kim Giang (thực hiện)