Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Công bố kết quả điều tra cộng đồng doanh nghiệp về các vấn đề hội nhập
09 | 12 | 2011
Chiều 8/12, tại Hà Nội, Viện Tin học doanh nghiệp thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức “Lễ công bố kết quả điều tra cộng đồng doanh nghiệp về các vấn đề hội nhập”.
Cuộc điều tra hướng tới việc khảo sát , đánh giá nhận thức và thực trạng của các doanh nghiệp về hội nhập kinh tế quốc tế sau hơn 4 năm Việt Nam gia nhập WTO, nhận diện các vấn đề còn tồn tại ở mỗi doanh nghiệp, mỗi ngành hàng.
Tại Lễ công bố, ông Lê Văn Lợi - Viện trưởng Viện Tin học doanh nghiệp đã trình bày về quá trình tổ chức điều tra và báo cáo kết quả của cuộc điều tra. Mẫu phiếu điều tra bao gồm 18 câu hỏi đề cập đến các vấn đề liên quan đến tình hình hội nhập của các doanh nghiệp.
Công bố kết quả điều tra cộng đồng doanh nghiệp về các vấn đề hội nhập, số lượng doanh nghiệp (DN) tham gia điều tra là 3.550 doanh nghiệp, tại 63 tỉnh, thành trong cả nước. Kết quả điều tra cho thấy, ¾ số doanh nghiệp tham gia điều tra cho rằng, hội nhập tác động tích cực đến doanh nghiệp; hơn 21% doanh nghiệp vẫn chưa thấy hội nhập ảnh hưởng đến hoạt động của mình; chỉ có hơn 1% DN cảm nhận những tác động xấu của hội nhập đến DN của mình.
Đánh giá về lợi thế của DN trong hội nhập, 44% DN cho rằng, họ duy trì lợi thế trên thị trường nhờ yếu tố giá thành sản phẩm, 40% DN có lợi thế về tìm kiếm thị trường, 1/3 DN khảo sát có lợi thế về sản phẩm độc đáo, mới lạ.
Bên cạnh những lợi thế, các doanh nghiệp cũng đưa ra nhiều khó khăn trong quá trình hội nhập, trong đó, khó khăn lớn nhất được 26% DN cho rằng, thiếu thông tin về thị trường; ¼ doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn và công nghệ; trình độ ứng dụng thương mại điện tử và công nghệ thông tin chưa tốt và thủ tục hành chính còn phiền hà cũng được ¼ doanh nghiệp đề cập đến…
Theo kết quả điều tra, nguyện vọng lớn nhất của DN là được hiểu rõ thông tin liên quan đến các hiệp định và cam kết cụ thể của Việt Nam về các lĩnh vực và ngành hàng. 56% DN cho biết mong muốn tiếp cận được với các tài liệu tham khảo về chính sách thương mại và hàng rào kỹ thuật của thị trường nước ngoài…
Cũng theo kết quả điều tra, có tới 1/3 DN mong nhận được sự hỗ trợ từ phía các cơ quan chức năng nhà nước trong các hoạt động chuyển giao công nghệ, đặc biệt là việc ứng dụng thành tựu của công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý DN và khai thác lợi thế của thương mại điện tử trong kinh doanh. Trên thực tế, chi phí đầu tư cho công nghệ hiện nay thường quá lớn so với khả năng của DN vừa và nhỏ. Bởi vậy, DN rất cần sự "tiếp sức" từ Chính phủ như: Hỗ trợ của ngân sách cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, kêu gọi các dự án viện trợ chính thức (ODA) đầu tư cho các dự án phát triển CNTT.
Một vấn đề mới được các DN đề xuất thông qua cuộc điều tra lần này là rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước trong việc phát hiện và phòng ngừa các rủi ro trong kinh doanh quốc tế thông qua công cụ mạng xã hội (social media). Các DN đánh giá cao khả năng hỗ trợ thông tin của mạng xã hội về kinh nghiệm giải quyết tranh chấp, kiện tụng tại thị trường nước ngoài, khả năng phát hiện sớm rủi ro từ các thị trường nhạy cảm...
Theo ông Lê Văn Lợi, kết quả của cuộc điều tra có thể xem là tham chiếu thông tin cho các cơ quan, ban, ngành về thực trạng của doanh nghiệp sau hội nhập và là căn cứ cho các chương trình hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đúng mục tiêu, đúng đối tượng và đúng thời điểm./.
Tổng hợp
 


Báo cáo phân tích thị trường