Gabon có diện tích rừng chiếm khoảng 80% diện tích lãnh thổ, có điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp khai thác và chế biến gỗ. Ngành này đóng góp 6% GDP và tạo ra 15.000 việc làm trực tiếp và 5.000 việc làm gián tiếp. Phần lớn các doanh nghiệp lâm sản nước này chỉ chế biến khoảng 1,5 triệu tấn gỗ tươi (25% lượng gỗ khai thác) và xuất khẩu toàn bộ số gỗ tươi còn lại. Gabon đang hoàn tất việc xây dựng Đặc khu kinh tế Nkok có diện tích 1.026 ha được xem là lớn nhất khu vực Trung và Tây Phi, nằm cách Thủ đô Libreville khoảng 30 km. Mục tiêu của đặc khu này nhằm phục vụ hoạt động của các ngành công nghiệp, nhất là ngành chế biến gỗ để xuất khẩu thành phẩm và bán thành phẩm, mang lại giá trị gia tăng cao.
Dự kiến sẽ có hơn 50 công ty trong lĩnh vực công nghiệp đến thuê mặt bằng và được hưởng những ưu đãi về thuế như miễn thuế VAT trong vòng 25 năm, miễn thuế thu nhập trong 10 năm, được chuyển về nước 100% vốn, tự do sử dụng người nước ngoài và được giảm 50% chi phí về điện.
Việt Nam và Gabon thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 9/1/1975. Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam và Gabon có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với nhau nhiều hơn thông qua các hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án Phát triển thương mại liên vùng giữa các nước thuộc Liên minh Kinh tế và tiền tệ Tây Phi (UEMOA), Cộng đồng Kinh tế và tiền tệ Trung Phi (CEMAC) và Việt Nam, Lào, Campuchia do Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) và Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) đề xuất. Đã có doanh nghiệp gỗ của Việt Nam mở văn phòng đại diện tại Thủ đô Libreville để tạo thuận lợi cho hoạt động giao dịch.
Năm 2013, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 48,2 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 19 triệu USD, tăng 40% và nhập khẩu 29,21 triệu USD, tăng 5%. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam là gạo (đạt 16,6 triệu USD), hàng hải sản (1,6 triệu USD), sản phẩm chất dẻo, phân urê…
Những năm gần đây, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Gabon tăng mạnh từ mức 4,8 triệu USD năm 2008 lên 29,2 triệu USD năm 2013. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ thị trường này gồm gỗ và sản phẩm gỗ (18,99 triệu USD), sắt, thép phế liệu (10,22 triệu USD).
Nguồn: Báo Công Thương