Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
FAO: Nông dân nhỏ cần được tiếp sức do giá thực phẩm giảm
06 | 10 | 2016
Theo FAO, giá thực phẩm liên tục giảm có thể là tin tốt cho hàng triệu người nghèo thành thị nhưng lại là tin xấu cho hàng triệu nông dân sản xuất nhỏ sẽ phải vất vả xoay xở để mưu sinh mà không được hỗ trợ và tiếp sức, khi các nước đều đang giảm trợ cấp xuất khẩu.

Giá các nông sản thực phẩm chính, chăn nuôi và thủy sản đều giảm trong năm 2015, phát đi tín hiệu về sự kết thúc của kỷ nguyên giá thực phẩm cao, theo FAO cho biết. Giá thực phẩm giảm được dự đoán sẽ kéo dài trong vài năm tới, nghĩa là các gia đình nghèo không hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có thể đủ tiền cho các bữa ăn giàu dưỡng chất hơn.

Theo ông Graziano da Silva, tổng giám đốc của FAO, phát biểu trong một cuộc họp cấp cao về giá hàng hóa nông sản: “Thế giới đang đứng trước thách thức về duy trì giá thực phẩm giàu dinh dưỡng ở mức chấp nhận được cho người nghèo, đồng thời đảm bảo động lực sản xuất cho nông dân. Giá thực phẩm thấp làm giảm thu nhập của nông dân, đặc biệt là nông dân nghèo, sản xuất lương thực thiết yếu tại các nước đang phát triển. Giảm luồng tài chính chảy về cộng đồng nông thôn cũng làm giảm động lực đầu tư sản xuất, cơ sở hạ tầng và dịch vụ tại khu vực này.

Một cách để hỗ trợ nông dân nhỏ đối phó với thách thức giá hàng hóa giảm là chấm dứt các biện pháp hỗ trợ xuất khẩu, làm ảnh hưởng tới giá hàng hóa toàn cầu.

Tháng 12/2015, 164 nước thành viên WTO đã đồng thuận về chấm dứt các trợ cấp xuất khẩu – ngay lập tức đối với các nước phát triển và đến hết năm 2018 đối với các nước đang phát triển. Quyết định này sẽ giúp tạo ra sân chơi công bằng trong các thị trường nông sản, mang lại lợi ích cho nông dân và các nhà xuất khẩu tại các nước đang và kém phát triển.

Các chương trình an sinh xã hội và các cơ chế như phát voucher thực phẩm, cũng là những cách quan trọng để thúc đẩy thu nhập nông dân, giúp các gia đình nghèo tiếp cận lương thực.

Các đợt tăng giá từ năm 2008 – 2012 và biến động trên các thị trường thực phẩm đã châm ngòi cho các cuộc khủng hoảng lương thực và bất ổn tại một số khu vực của châu Phi, Nam Mỹ, Nam Á và Trung Đông. Sau đó, giá biến động chậm lại và hiện đang dần dần giảm, nhờ các vụ thu hoạch bội thu, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và giá dầu giảm, dù vẫn duy trì ở mức cao hơn thập niên 1990.

Trong thập kỷ tới, tăng trưởng nhu cầu đối với thực phẩm có thể chậm lại do tăng trưởng dân số giảm và thu nhập tăng chậm, theo báo cáo của FAO nhận định. Người dân tại cả các nước phát triển và đang phát triển được dự đoán sẽ tăng tiêu dùng thực phẩm chế biến, nên nhu cầu đối với đường, các loại dầu ăn và chất béo có thể tăng nhanh hơn thực phẩm thiết yếu và protein. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu có thể gây ra một số đợt tăng giá trong suốt thập kỷ tới.

Theo Reuters



Gappingworld
Báo cáo phân tích thị trường