Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đặt hạn mức đất để giữ đất cho nông dân
06 | 10 | 2007
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa cho ý kiến và thông qua nghị quyết về hạn mức đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích nông nghiệp dưới các hình thức nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất, xử lý nợ theo thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất.
Theo khảo sát, đất trồng cây hàng năm khu vực Nam bộ, số hộ sử dụng dưới 5ha do nhận chuyển quyền chiếm trên 90%, các khu vực còn lại, số hộ sử dụng dưới 3 ha do nhận chuyển quyền chiếm tới 98,67% số trường hợp nhận chuyển quyền. Vì vậy, một hạn mức cần thiết sẽ khuyến khích tích tụ hợp lý, vừa hạn chế sự tích tụ quá mức dẫn tới một bộ phận lớn nông dân không có đất sản xuất khi chưa kịp chuyển đổi nghề nghiệp.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, số lao động trực tiếp sản xuất nông nghiệp ở nước ta còn nhiều, đây cũng là nguồn sống của đại bộ phận nông dân. Vì vậy, việc nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp đáp ứng được yêu cầu tăng quy mô và nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp và hiệu quả sử dụng đất, không được chuyển mục đích sử dụng đất.

Việc tạo ra hạn mức cũng phù hợp với chủ trương đất đai thuộc sở hữu toàn dân, tạo điều kiện cho người sống chủ yếu bằng nghề nông có việc làm. Với việc thông qua chính sách này, hộ gia đình, cá nhân sẽ có hạn mức nhất định khi nhận chuyển quyền sử dụng đất trồng cây hàng năm, lâu năm và đất rừng trồng.

Cụ thể, hạn mức đất trồng cây hàng năm không quá 5 ha ở các tỉnh Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh và Tp.HCM; không quá 15 ha ở An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ; không quá 3 ha đối với các tỉnh, thành còn lại.

Đối với đất trồng cây lâu năm không quá 20 ha tại các tỉnh ĐB Bắc Bộ và ĐBSCL, không quá 50 ha các tỉnh còn lại. Đối với đất rừng trồng không quá 50ha tại ĐBBB và ĐBSCL, không quá 100 ha đối với các tỉnh còn lại. Trường hợp nhận chuyển quyền trên địa bàn nhiều tỉnh thì tổng diện tích được tính theo hạn mức cao nhất của địa phương.

Tuy nhiên, chính sách này không áp dụng với đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất nông nghiệp khác, đất phòng hộ, đất rừng đặc dụng, rừng tự nhiên vì các loại đất này có phương thức sử dụng đặc thù, cần mức đầu tư cao hoặc không được chuyển nhượng.

Tương tự, sẽ không hạn mức các hình thức nhận chuyển quyền khác như thừa kế, chuyển đổi, kết quả giải quyết tranh chấp vì mang tính tình huống, không xuất phát từ nhu cầu tích tụ đất.

Nguồn tin: VNeconomy

Báo cáo phân tích thị trường