Đây là lần đầu tiên các nhà chức trách về an toàn thực phẩm tham gia vào chương trình nghị sự của APEC. Hiệp định này xây dựng một chương trình hoạt động 2 năm nhằm cung cấp các khoản phúc lợi y tế cho người dân ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, cải tiến phương pháp phân bổ quỹ của APEC cho lĩnh vực an toàn thực phẩm và đẩy mạnh hợp tác giữa các nền kinh tế APEC. Các doanh nghiệp cũng sẽ có lợi vì chương trình này sẽ giảm đi tình trạng chồng chéo và không nhất quán, giúp cho các hệ thống tiêu chuẩn an toàn hơn và dễ áp dụng hơn. Người tiêu dùng ngày càng nhận thức tốt hơn và có yêu cầu cao hơn về an toàn thực phẩm. Thông qua việc phát triển các hệ thống truyền thông và trao đổi thông tin, người tiêu dùng và các nhà sản xuất có thể có được thông tin chính xác và kịp thời về an toàn thực phẩm. Và thông qua việc phát triển các kỹ năng và nguồn nhân lực, các hệ thống về quản lý an toàn thực phẩm quốc gia có thể được phát triển hiệu quả hơn. Ôxtrâylia đi tiên phong trong lĩnh vực này vì thực phẩm và đồ uống là ngành sản xuất lớn nhất của nước này với 80% sản lượng để xuất khẩu. Và Ôxtrâylia cũng đang tăng cường nhập khẩu thực phẩm nhiều hơn về số lượng cũng như chủng loại. Diễn đàn này nhằm khuyến khích các nền kinh tế khu vực APEC hợp tác với nhau để điều phối các quy định về an toàn thực phẩm cho phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế nhằm cải thiện vấn đề sức khỏe và an toàn thực phẩm, đồng thời góp phần phát triển thương mại. |