Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hiệu quả của các công trình xây dựng
28 | 09 | 2007
Với trên 4.160 công trình được ký hợp đồng và thực hiện, hợp phần công trình xây lắp được các chuyên gia đánh giá là rất thành công trong quá trình triển khai Dự án Giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc.

Tổng vốn đầu tư cho các công trình này đạt khoảng 92,4 triệu USD, trong đó, tỷ lệ đầu tư cho các công trình đường, cầu, cống chiếm 43%, công trình thủy lợi chiếm 23%, công trình cấp nước sinh hoạt chiếm 9%. Còn lại là vốn đầu tư cho các công trình thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế...

Mặc dù vốn đầu tư cho mỗi công trình không phải là quá lớn, song lại có tác dụng đáng kể trong việc xây dựng và củng cố hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội trong khu vực. “Các công trình này đã góp phần làm thay đổi kết cấu hạ tầng của các xã vùng dự án”, ông Hoàng Thanh Bình, Phó giám đốc Ban quản lý Dự án Giảm nghèo tỉnh Yên Bái nói.

Thực vậy, với cách làm lấy ý kiến cộng đồng từ quá trình lập kế hoạch, lựa chọn công trình, giám sát trong quá trình thi công, nghiệm thu, bàn giao, đưa vào sử dụng, những công trình hạ tầng được thực hiện trong khuôn khổ Dự án Giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc ở Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Phú Thọ, Hòa Bình, Bắc Giang đã thực sự góp phần làm thay đổi đời sống người dân trong vùng. Những con đường được nâng cấp, xây mới từ trung tâm xã xuống thôn, đường liên thôn, đường từ huyện xuống xã đã tăng thêm khả năng tiếp cận giao thông cho các cộng đồng vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện cho giao lưu và lưu thông hàng hóa. Những con đường mới mở đã rút ngắn thời gian đi lại của người dân từ cả ngày đường xuống còn vài tiếng đồng hồ. Bên cạnh đó, các công trình thủy lợi được xây dựng trong khuôn khổ Dự án đã làm tăng diện tích tưới tiêu hoặc tăng vụ trên diện tích hơn 18.800 ha; những công trình cấp nước sinh hoạt đã giúp người dân cải thiện cuộc sống.

Rõ ràng, cùng với các công trình được đầu tư từ chương trình, dự án khác, các công trình được xây dựng và đưa vào sử dụng trong khuôn khổ Dự án Giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc đã đáp ứng đúng nhu cầu của người dân, tác động mạnh mẽ đến việc thay đổi đời sống người dân trong vùng.

Điều đáng quan tâm là, trong quá trình thực thi Dự án, ngay từ đầu, Ban quản lý dự án các cấp đã rất chú trọng đến công tác giám sát trong thi công và bảo trì khi công trình hoàn thành, bởi chính khâu này sẽ góp phần làm tăng tính bền vững cho các công trình. Được biết, trong hai năm 2006 - 2007, Dự án đã thực hiện một đợt đánh giá nội bộ về các hệ thống vận hành bảo trì tại 7 huyện có triển khai Dự án. Trước đó, Dự án đã tổ chức một số khoá tập huấn về vận hành, bảo trì và giám sát công trình hạ tầng cho cán bộ xã, thôn; đồng thời, thu thập, phổ biến thông tin về các mô hình vận hành, bảo trì có hiệu quả trong khuôn khổ Dự án.

Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác này, Ban quản lý dự án Trung ương cho rằng, thời gian tới, tất cả các ban quản lý dự án cấp tỉnh và huyện cần thực hiện một đợt điều tra đối với tất cả các công trình đã hoàn thành để đánh giá chất lượng, thực trạng những công trình đó; đồng thời, cần đảm bảo để các công trình hạ tầng của dự án được “đưa vào danh mục tài sản” của các ngành tương ứng (giao thông, y tế, giáo dục...) cũng như của các huyện và xã để có kế hoạch cho vận hành, bảo trì. Theo ông Bình và nhiều đồng nghiệp thì việc hàng năm, ngân sách nhà nước có một phần kinh phí cho công tác duy tu, bảo dưỡng, đặc biệt quan trọng là việc huy động nguồn lực của những người hưởng lợi, sẽ tạo điều kiện đáng kể đem lại hiệu quả bền vững cho công trình.



Theo vir.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường