Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chuyện ăn, chuyện chơi ở đất Cố đô
01 | 10 | 2007
Ở đất Cố đô hiện nay, “mốt” của những người sành điệu không phải là tìm đến những quán ăn sang trọng trong thành phố mà tìm về chốn ngoại ô để thưởng thức “hương đồng gió nội”. Để đáp ứng nhu cầu ấy, các vùng ven thành phố như: Thiên An, Vỹ Dạ... liên tiếp xuất hiện nhiều hàng quán với những tên gọi khá ấn tượng: Biệt Phủ Thảo Nhi, Trà Đình Vũ Di, VIP CLUB... Khách đến rất đông, toàn là khách lắm tiền, hoặc du khách đến Huế vì nếu là túi tiền của những công chức thường, người lao động bình dân sẽ không cho phép họ có mặt nơi đây.
  • Từ chuyện ăn

Người Huế giờ đã qua rồi cái thời chỉ biết ăn no, mặc ấm. Hiện nay, tiêu chí đầu tiên của những người lắm tiền, những kẻ sành điệu ở Huế là phải ăn sao cho thật ngon, mặc sao cho thật đẹp. Cá thịt giờ đây đã chán, bia và rượu ngoại uống mãi cũng nhàm nên nhiều người lại thích quay về lối xưa, tìm lại niềm vui bên những món ăn dân dã. Tuy tiếng là món ăn dân dã, nhưng giá tiền của nó lại không “ dân dã ” chút nào. Đơn cử như ở quán Biệt Phủ Thảo Nhi, xã Thủy Bằng – Hương Thủy: giá một dĩa rau tàu bay (hoặc rau khoai, rau muống) chấm tôm đánh 20 ngàn đồng. Số tiền ấy bằng giá một gánh rau mà người lao động ở nông thôn vẫn hàng ngày đem ra chợ bán. Quán này còn có hai loại rượu đặc sản là rượu Huyền Trân Công Chúa và rượu ong. Giá của một xị rượu này là 80 ngàn đồng, nghĩa là tương đương với giá một số loại rượu ngoại đang được bày bán rộng rãi ở Huế. Tuy thức ăn ở quán Biệc Phủ Thảo Nhi đắt thế, nhưng không có ngày nào quán này vắng khách. Nhìn bãi giữ xe của quán lúc nào cũng đầy xe máy, xe ôtô.

Nằm gần Biệt Phủ Thảo Nhi là quán Chân Quê. Quán này chỉ chuyên bán những đặc sản rừng như: thịt mang, thịt nai hoặc các loại chồn, nhím... Không biết nguồn cung cấp thịt rừng của quán này ở đâu ra, chỉ biết rằng quán luôn có sẵn những thứ thịt mà khách yêu cầu. Có lẽ do quan niệm ăn thịt thú rừng tốt hoặc là thứ “mốt” thời thượng, nên quán Chân Quê bao giờ cũng đông nghẹt khách. Vào những buổi chiều cuối tuần, những thực khách lên chậm sẽ rất khó có bàn ngồi hoặc khó có thể gọi những thứ thịt rừng quý hiếm vì quán đã bán hết.

Một anh bạn đồng nghiệp của tôi sau một lần được mời đi ăn ở quán có tên gọi Làng Hành Hương ( xã Thủy Xuân – TP Huế ) đã về nói vui rằng:" Nếu ai dư tiền không tiêu hết thì anh sẽ giới thiệu lên Làng Hành Hương ”. Điều này không hề có ẩn ý gì mà chỉ muốn nói giá thức ăn, thức uống ở nơi này rất đắt, chỉ giành cho những kẻ lắm tiền mà thôi. Tuy không sang trọng như 3 quán vừa nêu trên, nhưng những quán ở đường Phạm Văn Đồng (phường Vỹ Dạ) cũng thu hút khá đông khách. Từ sáng cho đến chiều tối, những quán ở đường này không bao giờ thiếu vắng khách. Tên một số quán nằm ở đường này như: Bà Chanh 2, Hoàng Anh, Đồng Nội... đã trở thành địa điểm quen thuộc của một số người. Vì khi đến đây, họ có thể thưởng thức những món ăn đặc sản như; ba ba, tôm, cua, cá... Và dĩ nhiên giá của các đặc sản này cũng đắt gấp đôi, gấp ba so với giá ở các quán bình dân.

  • Đến chuyện chơi

Ở Huế có khá nhiều hàng quán sang trọng. Nhưng có lẽ nổi tiếng nhất hiện nay vẫn là VIP CLUB. Tôi được một người bạn thân thời học phổ thông mời vào chơi VIP CLUB nhân dịp sinh nhật của cậu ta. Thú thật, tuy tôi đã đặt chân vào khá nhiều hàng quán được xem là sang trọng ở Huế, nhưng khi bước chân vào VIP CLUB tôi cũng không khỏi ngỡ ngàng vì nó hoành tráng hơn tôi tưởng. Giá vé vào cổng ở VIP CLUB là 50 ngàn/1 người. Thức uống trong đó được tính cao gấp 3, gấp 5 lần so với những hàng quán khác. Tuy nhiên, cách phục vụ ở đây thì khỏi phải chê. Tôi nhớ hôm mình vào: chỉ vừa đưa thuốc lên môi là đã có ngay người đến đưa lửa để châm thuốc. Ly nước lọc tôi mới uống có một hớp là đã có người thay ly nước mới. Thú vị hơn là tôi vừa chuẩn bị gạt tàn thuốc là có ngay người phục vụ đưa gạt tàn ra hứng. Chỉ có điều khi ra về, tôi hẹn với bạn hôm nào rảnh sẽ vào đây chơi tiếp thì bạn tôi mỉm cười, rồi bảo: “Nếu đem một tháng lương của cậu vào đây cũng không đủ cho hai người ngồi chơi trong một buổi tối mà thôi”. Nghe bạn nói vậy, tôi mới tin vào chuyện một người đãi bạn bè trong hai đêm ở VIP CLUB đã tiêu hết 20 triệu đồng.

Ngoài VIP CLUB chỉ để giành cho các đại gia lắm tiền nhiều của, ở Huế hiện nay còn có rất nhiều phòng trà, quán trà cũng khá sang trọng. Quán Trà Đình Vũ Di (xã Thủy Bằng) tuy mới khai trương hơn một năm những đã nổi tiếng khắp tỉnh. Quán trà này rất phong phú về các loại trà, cách bày biện cũng khá bắt mắt nên thu hút rất nhiều khách, đặc biệt là giới công chức. Riêng các phòng trà như: Serenade, Violon... nhờ có một đội ngũ nhạc công điêu luyện, cách trang hoàng trong quán đẹp nên số lượng khách tìm đến cũng khá đông đúc, từ giới trẻ cho đến các bậc trung niên. Ngoài ra, ở Huế còn có các quán bar, vũ trường như: vũ trường Ngọc Anh, vũ trường Sao Đêm, quán bar Bạn & Tôi... Giới trẻ và những người thích sống theo lối hiện đại thường tìm đến đây để tha hồ vui chơi, nhảy nhót.

  • Lời kết

Dĩ nhiên là vũ trường, nhà hàng ở Huế không thể so bì với vũ trường, nhà hàng tại các thành phố lớn như: Sài Gòn, Hà Nội hay thành phố láng giềng Đà Nẵng. Nhưng sự ra đời của một loạt các nhà hàng, vũ trường ở Huế trong thời gian qua cũng báo hiệu về một sự đổi mới trong chuyện ăn, chơi của người dân xứ Cố đô. Tôi còn nhớ cách đây khoảng chừng 5 năm, khi nghe bạn bè kể về các nhà hàng, vũ trường nổi tiếng ở các thành phố lớn tôi cứ há hốc nghe mà không thể hình dung ra được. Giờ đây, chỉ cần có tiền là tôi và tất cả những người dân ở Huế có thể tìm cho mình một nơi thư giãn theo ý muốn. Điều này cũng thật đáng mừng vì nó chứng tỏ đời sống ở Huế đang ngày càng phát triển hơn.

(NetCodo)



Theo mientrung.com
Báo cáo phân tích thị trường