Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lào Cai: Cần sự liên kết 4 nhà trong sản xuất rau an toàn
07 | 11 | 2007
Mấy năm gần đây, vấn đề sản xuất rau an toàn được Lào Cai quan tâm như một tiêu chí mạnh giao cho ngành nông nghiệp và các cơ quan chức năng thực hiện. Nhưng thực tế sản lượng này còn khiêm tốn, đạt gần 4.000 tấn, chiếm chưa đầy 15% trong tổng số hơn 3 vạn tấn rau các loại hàng năm bán ra thị trường do thiếu sự liên kết cần thiết giữa 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp) trong sản xuất và tiêu thụ rau an toàn.
Sự thiếu liên kết khiến quy mô trồng rau còn nhỏ, biện pháp quản lý, tiêu thụ chưa đồng bộ, nhất là sự "nhập nhằng giữa rau an toàn và rau không an toàn, dẫn đến tình trạng trồng rau an toàn chưa thắng thế về hiệu quả kinh tế - xã hội, rau an toàn và không an toàn vẫn ở chung một "rọ" do hệ thống quản lý chất lượng của ngành chức năng chưa được thiết lập, chưa có các phương tiện kiểm tra chất lượng rau trồng, thả nổi để mạnh ai nấy tiêu thụ.

Tính đến năm 2007, toàn tỉnh Lào Cai có gần 3.000 ha trồng rau, trong đó vụ đông xuân chiếm trên 2/3 diện tích hàng năm cung cấp trên 30.000 tấn rau các loại ra thị trường. Đánh giá của ngành chức năng cho thấy, sản lượng rau xanh hàng năm đáp ứng khoảng 70% nhu cầu trong tỉnh. Mô hình sản xuất rau an toàn đã xuất hiện tại Sa Pa, Bắc Hà, thành phố Lào Cai... của ngành khuyến nông và một số doanh nghiệp thực hiện. Dự án cũng nhằm đổi mới tư duy, nâng cao trình độ kiến thức sản xuất rau an toàn cho người dân, hướng tới một nền nông nghiệp sạch và bền vững. Theo đó, Sa Pa, Bắc Hà và thành phố Lào Cai được chọn làm nơi triển khai dự án với sự tham gia của gần 1.500 hộ dân tại gần 20 xã. Cơ bản vẫn sử dụng các loại rau, màu mà nông dân đã quen trồng như dưa chuột, cà chua, cải bắp suplơ, su hào, su su, đậu đũa các loại... Một khâu quan trọng được triển khai là xây dựng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm, trong đó có việc xây dựng mạng lưới quản lý chất lượng rau, kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, trang bị một số thiết bị đóng gói sản phẩm cho các tổ chức cá nhân sản xuất tiêu thụ rau an toàn cũng như xây dựng hệ thống bảo quản, tiêu thụ rau.

Tuy nhiên tiến độ triển khai dự án ở các huyện vẫn còn rất chậm. Huyện Bắc Hà đến nay mới đang trong giai đoạn quy hoạch đất trồng rau an toàn. Tại các xã trong vùng dự án, các hộ nông dân đa phần là đồng bào dân tộc ít người, tuy trồng rau là việc quá quen thuộc đối với họ, nhưng để thực hiện theo một quy trình kỹ thuật mới thì rất cần sự tuyên truyền, hướng dẫn và đầu tư bài bản, kỹ lưỡng. Riêng huyện Sa Pa đưa ra kế hoạch đến năm 2010 sẽ có 100 ha rau an toàn ở khu vực thị trấn và 6 xã, nhưng nhiều hộ nông dân chưa quen với phương thức canh tác này, trừ một số thôn bản mà các doanh nghiệp đã đến triển khai dự án này như: Tả Phìn, Sa Pả, thị trấn Sa Pa. Huyện Bắc Hà cũng trong tỉnh cảnh tương tự, 50 ha được xác định trồng tại thị trấn Bắc Hà và 4 xã lân cận, nhưng huyện vẫn chưa xác định được vùng chuyên canh rau mà chỉ trồng trên diện tích ruộng tăng vụ, thiếu tính ổn dịnh. Bà Chu Thị Dương, Phó Phòng Kinh tế huyện cho biết: Không những nông dân chưa quen mà còn khó khăn trong việc bố trí cán bộ "bám" đồng bởi dự án rải ra hàng chục thôn, rất khó cho việc bố trí cán bộ giám sát quy trình trồng rau an toàn.

Thành phố Lào Cai có nhiều thuận lợi hơn và đã triển khai được rau an toàn vụ hè thu, nhưng sản phẩm cũng chưa có sự tham gia của các nhà khoa học trong việc kiểm định chất lượng do không có máy móc thiết bị chuyên dụng, vì vậy nhà quản lý cũng không có cơ sở gì để đánh giá chất lượng rau và thiếu luôn cơ chế phân loại, khoanh vùng kinh doanh, thả nổi người sản xuất tự tiêu thụ.

Bà Đặng Thị Bích Thu, Phó Phòng Kinh tế thành phố Lào Cai cho biết: Nhiệm vụ trồng 14 ha rau an toàn trong năm nay của thành phố Lào Cai không phải là điều quá khó, bởi thực tế nhiều năm qua thành phố đã thực hiện các chương trình phát triển vành đai thực phẩm an toàn, hơn nữa nhu cầu thị trường về loại rau này rất lớn. Nhưng việc chuẩn bị quầy giới thiệu và bán sản phẩm rau an toàn cần có sự kết hợp của các nhà khoa học và chế tài của nhà nước địa phương để các chợ này vừa làm đầu mối thu mua, tiêu thụ rau, vừa giúp người tiêu dùng thêm sự lựa chọn.




Nguồn: khuyennongvn
Báo cáo phân tích thị trường