Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tăng giá và phân vai trách nhiệm DN, Chính phủ
17 | 04 | 2008
Câu chuyện phân vai trách nhiệm không phải là vấn đề mới mẻ nhưng vẫn luôn nóng, đặc biệt trong bối cảnh những giải pháp hành chính đang được Chính phủ áp dụng khi nền kinh tế lâm bệnh. Trách nhiệm của Chính phủ, DN đến đâu trong câu chuyện tăng giá vẫn đang được đặt lên bàn cân, nhất là thời điểm "cứng" bình ổn giá 30/6 không còn bao xa.
 

DN - Hai vai giằng xé

Phân vai trách nhiệm giữa DN và Chính phủ vẫn là câu hỏi lớn?

DN đã chủ động và "được yêu cầu" chung vai gánh trách nhiệm cùng Chính phủ trong kiềm chế giá. Nhiều người cho rằng, đó là trách nhiệm, vừa là đạo đức của DN.

Thực hiện yêu cầu bình ổn giá, các DN đang "nghĩ làm thế nào để cầm cự giá được đến ngày 30/6" - ngày được xác định trong chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, không cho phép các mặt hàng chủ lực tăng giá -  như lời bà Vũ Thị Thuận, công ty dược Traphaco.

TS. Vũ Thành Tự Anh từng nêu, Chính phủ muốn thực hiện cân đối cung cầu nhưng bản thân DNNN, DN Việt Nam chiếm được bao nhiêu thị phần để đủ lực cân đối cung cầu? Đơn cử trong ngành thép, tổng công ty thép Việt Nam chỉ chiếm 30% thị phần, do đó, dù có giữ giá cũng không kiểm soát được giá thị trường. Tuy không phải bán với giá lỗ như năm 2005, nhưng giá thép bán ra thấp hơn giá buôn 300.000 - 500.000 đồng. Điều này nảy sinh tiêu cực, chia sẻ lợi nhuận giữa người sản xuất và người bán trung gian.

"Chính phủ yêu cầu không tăng giá, đương nhiên DN phải chấp hành, nhưng sau thời điểm đó, nếu không có điều chỉnh, nhiều DN sẽ chết". Quan điểm đó của bà Thuận, một lãnh đạo DN có lẽ cũng là tâm tư chung của đa số của DN.

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên từng đặt vấn đề sau 30/6, câu chuyện giá cả sẽ đi đến đâu? Liệu sau thời gian "gồng mình", "ghìm cương" chấp nhận giữ giá, các DN có chịu được sức nén của lò xo quá lớn, dẫn tới khi được nới lỏng cương, một cơn bão giá mới sẽ hoành hành? Chính phủ sẽ ứng xử ra sao? và DN sẽ phải đóng hai vai giằng xé: người làm ăn với mục tiêu sinh lời và người hỗ trợ bình ổn thị trường như thế nào?

Can thiệp của Chính phủ: cần thiết nhưng phải có lựa chọn

Về phía Chính phủ, hiện nay, một số giải pháp được xem là tình thế, mang tính hành chính đã buộc phải thi hành, ngay cả khi Việt Nam đã gia nhập WTO hơn 1 năm. "Cây gậy thần chỉ tiêu pháp lệnh" những tưởng đã hết tác dụng lại phải lôi ra.

Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát - điều kiện bất bình thường của nền kinh tế, việc áp dụng các biện pháp bất thường, kể cả biện pháp hành chính là có thể hiểu được và cần thiết. Bàn tay điều hành của Chính phủ lúc này là đòi hỏi lớn, cũng giống như một người bị bệnh, tất phải dùng thuốc để trị bệnh rồi mới tính chuyện tập luyện, gìn giữ sức khoẻ...

Các DN "cố gắng cầm cự giữ giá" đến ngày 30/6. Sau 30/6, liệu một cơn bão giá mới có đổ bộ? Ảnh: VNN

Kiên quyết chỉ đạo chống tăng giá các mặt hàng chủ đạo là biện pháp hữu hiệu, cần làm mạnh trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, định giá như thế nào cho hợp lý, có chính sách bù đắp cho bộ phận phải "chịu thiệt" do tác động trái chiều của chính sách là hết sức cần thiết.

 Hơn nữa, bản thân vòng xoáy tăng giá tại Việt Nam không hoàn toàn do giá thành tăng mà nặng yếu tố tâm lý, và sự trục lợi của một bộ phận DN.

Thời gian qua, nhiều mặt hàng tăng giá một cách kì cục, không phản ánh mặt bằng giá thế giới, như giá thực phẩm tăng 100%, giá gạch xây dựng tăng gấp 3 lần... Do đó, nhu cầu về một cơ quan định giá các mặt hàng, kiểm soát giá với sự tham gia của các lực lượng thị trường, đảm bảo ổn định tình hình, không có kẽ hở cho đầu cơ, trục lợi cần được đặt ra trong lúc này.

Những giải pháp hành chính trước mắt có thể hiệu quả nhưng về lâu dài, đây không phải là lựa chọn.

Có những mặt hàng giá tăng một cách phi lí. Ảnh: saga.vn

Trên thực tế, trong một nền kinh tế thị trường, các biện pháp hành chính không phát huy mấy tác dụng. "Bóp" chỗ này thì lại lồi chỗ khác, ông Vũ Viết Ngoạn, Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế Quốc hội nhận xét.

Bản thân một số biện pháp hành chính của Chính phủ vừa qua hoàn toàn có thể thay thế bằng quyết định đoàn kết của DN, Hiệp hội DN tự nguyện cam kết trong ngành hàng nào đó không tăng giá trong giai đoạn, hoàn cảnh với điều kiện nào đó.

Như ông Alain Cany, đại diện Eurocham tại Việt Nam tư vấn, "sự can thiệp của Chính phủ là cần thiết nhưng phải có lựa chọn. Không phải vấn đề nào cũng đưa lên Chính phủ. Bản thân DN cũng phải tự lực. Chính phủ chỉ can thiệp ở mức độ vừa phải và ở lĩnh vực chính yếu".

Chính phủ cần và nên quan tâm tập trung nhiều cho quản lý, kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường, tạo điều kiện cho DN phát triển, hạn chế biện pháp hành chính.

Thực hiện chính sách không thể đòi hỏi tác dụng trong một sớm một chiều. Nhưng bản thân chính sách cũng cần có sự điều chỉnh. Đôi khi dùng chính sách, có thể uống thuốc quá liều. Chính sách kéo dài quá lâu, không điều chỉnh thích ứng thì sẽ gây tác dụng phụ.

Đã đến lúc Việt Nam cần xem xét lại các chính sách sau vài tháng áp dụng, để có điều chỉnh phù hợp, ông Vũ Viết Ngoạn đặt vấn đề.

Dù sự phân vai trách nhiệm như thế nào, điều quan trọng nhất vẫn là sự linh hoạt trong ứng phó với các biến động. Nâng cao năng lực dự báo là cần thiết, nhưng quan trọng hơn là phải chuẩn bị năng lực ứng phó linh hoạt cho cả Chính phủ và DN, không để tình trạng lúng túng, thiếu chủ động như thời điểm bắt đầu đối mặt với lạm phát.



Nguồn: VietNamNet
Báo cáo phân tích thị trường