Cụ thể, giá đường trắng tinh luyện (RE) tại thị trường Hà Nội trong giai đoạn 2006-2009 thấp nhất là 615 USD/tấn và cao nhất là 922,6 USD/tấn, trong khi giá đường Thái Lan cao nhất chỉ có 491,7 USD/tấn và tại thị trường London cao nhất là 568,8 USD/tấn.
Tăng chóng mặt
Nếu như vào thời điểm tháng 1-2009 giá đường trắng tinh luyện bán buôn tại VN chỉ 7.500 đồng/kg thì đến tháng 8-2009 đã vọt lên mức 13.500-14.000 đồng/kg. Và giá bán lẻ tại các siêu thị tăng lên 15.000-16.000 đồng/kg, còn tại các chợ và cửa hiệu tạp hóa giá đường đã bị đẩy lên cao chót vót: 17.000-18.000 đồng/kg.
Không chỉ giá tăng cao, nhiều đợt khan hiếm đường còn xảy ra rải rác từ tháng 5 đến nay đã khiến nhiều bà nội trợ lo lắng. Nhiều thời điểm một số siêu thị đã phải đưa quy định mỗi người không được mua quá 3kg đường/lượt và giảm giá để bình ổn thị trường đường.
Giải thích việc tăng giá này, ông Võ Thành Đàng, chủ tịch Hiệp hội Mía đường VN, cho rằng giá đường trong nước cao do tăng theo giá đường thế giới và do cân đối cung cầu của thị trường. Cụ thể giá đường trắng thế giới đang từ 340 USD/tấn trong tháng 1-2009 đã lên mức 570 USD/tấn vào tháng 9.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, cách giải thích này chưa thỏa đáng, nguồn cung tại thị trường trong nước không phụ thuộc vào đường nhập khẩu. Hơn nữa, có dấu hiệu cho thấy các nhà máy đường đã dắt tay nhau tăng giá bởi vì sau chuyến khảo sát Thái Lan của Hiệp hội Mía đường VN vào tháng 4-2009, các nhà máy trong nước đồng loạt tăng giá bán đường từ 8.500 đồng/kg lên 11.000-11.300 đồng/kg. Trong khi đó, chính Bộ NN&PTNT vào thời điểm trên cũng xác nhận mức giá 8.500 đồng/kg là hợp lý vì giá thành sản xuất đường vụ 2008-2009 khoảng 7.500 đồng/kg.
Người tiêu dùng chịu thiệt
Theo ông Phạm Quang Diệu - giám đốc Agroinfo, năm 2009 thị trường đường thế giới tăng giá đột biến và dự báo sẽ tiếp tục ở mức cao trong vài năm tới. Đáng ra giá thế giới tăng mạnh, giá nội địa có thể coi là một cơ hội cho ngành mía đường VN vươn lên, nông dân phải bán được giá mía cao và người tiêu dùng chỉ phải trả với mức giá vừa phải.
Theo ông Diệu, ngành mía đường VN đã được hỗ trợ rất lớn bởi chương trình 1 triệu tấn đường trong giai đoạn 1995-2000 và các biện pháp bảo hộ phi thuế trước khi vào WTO là thuế và hạn ngạch đối với đường nhập khẩu.
Trong đó, theo cam kết WTO, hạn ngạch nhập khẩu đường năm 2007 là 55.000 tấn và mỗi năm chỉ tăng thêm 5% với thuế suất nhập khẩu đường mía trong hạn ngạch là 25% đối với đường thô và 60% đối với đường tinh luyện. Còn đường nhập khẩu ngoài hạn ngạch bị áp dụng mức thuế suất rất cao, lên tới 80-100% nên sẽ rất khó có cơ hội vào thị trường trong nước.
Sự bảo hộ như vậy sẽ giúp thúc đẩy ngành mía đường vững mạnh, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi về giá và sự ổn định của thị trường đối với một mặt hàng thiết yếu. Tuy nhiên theo ông Diệu, trong vụ mía đường vừa qua, người trồng mía không được hưởng lợi từ giá đường tăng do đã bán mía từ đầu vụ với giá dưới 500.000 đồng/tấn, còn người tiêu dùng đã và đang phải trả một mức giá cao hơn hai lần mức giá thế giới.
Cân nhắc việc nhập khẩu thêm đường Về đề nghị của Bộ Công thương yêu cầu “tính toán cho nhập thêm đường”, ông Đoàn Xuân Hòa - phó cục trưởng Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) - cho rằng phải cân nhắc, tính toán thật kỹ xem có nên cho nhập thêm đường nữa hay không. Theo ông Hòa, việc cho nhập thêm đường sẽ tác động xấu đến tâm lý người trồng mía và những nhà sản xuất đường trong nước. Vì thế phải xem xét kỹ càng nhu cầu của doanh nghiệp xem muốn nhập loại đường nào để cân đối. Nếu cho nhập thì chỉ cho một số ít doanh nghiệp lớn, có đóng góp và ảnh hưởng lớn đến xã hội, thị trường (ví dụ doanh nghiệp sản xuất sữa) được nhập. Số lượng được nhập không được vượt quá 10.000 tấn và chỉ được nhập đường thô về để các nhà máy trong nước luyện. Ông Hòa khẳng định giá đường tiêu thụ tại thị trường VN so với Trung Quốc, Thái Lan là ngang bằng nhau. Còn về khả năng cung cầu, phó cục trưởng Đoàn Xuân Hòa khẳng định lượng đường tại VN hiện nay vẫn đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp. Đặc biệt bây giờ đã bắt đầu vào vụ sản xuất đường niên vụ mới 2009-2010 nên khả năng thiếu đường là không thể xảy ra. Giá đường của VN quá bất hợp lý Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoàng Thọ Xuân - vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước - cho biết: - Giá đường VN hiện nay có thể khẳng định là quá vô lý. Tôi đồng ý các nước đang bảo hộ đường và ta cũng phải bảo vệ đời sống bà con trồng mía. Sản lượng trồng mía của bà con ta chưa cao, quy mô nhà máy đường chưa lớn, thổ nhưỡng khí hậu không thuận bằng Thái Lan nên có thể khiến giá đường trong nước cao hơn. Nhưng như thế cũng chỉ cao hơn mức độ nào đó thôi chứ không thể khiến giá đường VN cao gấp đôi giá các nước lân cận được. Nói giá thế giới tăng thì giá trong nước phải tăng cũng không đúng. Nếu là xăng dầu, phôi thép ta phải mua từ ngoài về bán, giá thế giới tăng, ta phải tăng tôi đồng ý. Đây mía ta tự trồng được, đường sản xuất trong nước đáp ứng đủ nhu cầu, ta không phụ thuộc nên nói giá thế giới tăng thì giá VN buộc phải tăng là không đúng. * Trước thực tế trên, Bộ Công thương có biện pháp gì để tình trạng giá mía đường VN không bị biến động bất lợi cho các doanh nghiệp, người dân trong nước? - Chúng tôi đang tính toán để hài hòa lợi ích các bên, vẫn đáp ứng yêu cầu bảo vệ nông dân và phù hợp với cam kết quốc tế. Sang năm Bộ Công thương sẽ công bố ngay từ đầu năm hạn ngạch nhập khẩu đường. Đồng thời để tăng cường tính cạnh tranh, trong một số trường hợp sẽ không chỉ cho các doanh nghiệp sản xuất có nhu cầu về đường được nhập khẩu mặt hàng này mà sẽ mở rộng cho cả các công ty thương mại được mua đường về bán lại. Chúng ta vẫn giữ quota, năm nay cho nhập khoảng 60.000 tấn, sang năm có thể là 70.000 tấn. Nhưng đẩy nhanh việc cấp hạn ngạch, bổ sung sự tham gia của các công ty thương mại thì nếu giá thế giới thấp, đường được nhập về giá rẻ sẽ khiến các doanh nghiệp mía đường trong nước phải chấp nhận cạnh tranh, đảm bảo giá đường không bị đẩy cao bất hợp lý, ảnh hưởng đến quyền lợi của đại bộ phận người dân. |