Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Làm mía đường không thể đứng một mình
10 | 10 | 2007
Niên vụ 2006-2007 thế giới sản xuất 167 triệu tấn đường thực phẩm (đường mía và đường củ cải).
Tổ chức Đường Thế giới (ISO) dự báo niên vụ mới kết thúc vào tháng 9/2008 sẽ đạt 169 triệu tấn, cao nhất từ trước đến nay. Như vậy cung sẽ vượt cầu khoảng 10,8 triệu tấn. Giá đường thế giới xuống thấp là nỗi lo của các nhà máy đường Việt Nam vì theo cam kết WTO, phải mở cửa thị trường và giảm thuế theo lộ trình.

Theo cam kết WTO, thuế nhập khẩu đường vào Việt Nam mặc dù không thay đổi: 60% với đường tinh luyện, 25% với đường thô nhưng hạn ngạch sẽ được tăng thêm 5% của mức 55.000 tấn. Còn với cam kết AFTA (Khu mậu dịch tự do ASEAN), thuế xuất nhập khẩu đường giảm từ 30% năm 2007 xuống còn 20% năm 2008 với cả đường tinh luyện và đường thô.

Trong cam kết WTO, phía Việt Nam vẫn được quyền phân bổ hạn ngạch đường cho đối tượng sử dụng cuối cùng, nên hiện nay Chính phủ cũng có thể chỉ cấp phép cho các nhà máy chế biến đường công nghiệp nhập đường tinh luyện hoặc đường trắng làm nguyên liệu sản xuất. Đến tháng 9 lượng đường nhập khẩu chỉ khoảng 10.000 tấn nhưng theo công bố mới nhất, qua tháng 10 đã lên 19.000 tấn.

Nguyên do vì giá đường trắng thế giới liên tục giảm, năm 2006 từ mức cao nhất 487 USD/tấn hồi tháng 5, đến tháng 9 còn 334 USD/tấn rồi tiếp tục giảm đến tháng 9/2007 còn 265-270 USD tại London và 268 USD/tấn tại Thái Lan.

Với giá này, dù chịu thuế 60%, các nhà máy chế biến công nghiệp thực phẩm dù nhập khẩu vẫn được lợi so với mua tại Việt Nam. Trong nước giá đường tinh luyện có VAT ở mức 7.000-7.350 đồng, đường kính trắng từ 6.200-6.900 đồng/kg!

Sản xuất riêng lẻ đang là một vấn nạn

Ngành mía đường Việt Nam có giá thành nguyên liệu mía trong mỗi tấn đường hiện cao hơn các nước là 30%, nên nỗi lo nhất lại là đường nhập lậu. Đường Thái Lan cộng với thuế và giá vận chuyển, về đến biên giới Campuchia nếu lúc này xâm nhập trót lọt qua biên giới Việt Nam sẽ lãi khá.

Chính vì vậy, từ đầu tháng 9 tại ĐBSCL khi 9 nhà máy đường lần lượt vào vụ, nguồn cung ngày một dồi dào thì tại các chợ đầu mối, giá đường trong nước và đường nhập lậu cạnh tranh nhau từng giá. Các nhà máy, kể cả các công ty lớn ở khác vùng còn lượng đường dự trữ đã luôn luôn phải tính toán để cạnh tranh với đường nhập lậu.

Tại Cần Thơ, giá đường Thái Lan đến tay người mua lẻ luôn luôn rẻ hơn đường Việt Nam 200 đồng/kg. Đường nhập lậu cũng "sẵn sàng" tăng, giảm giá khi thị trường trong nước có những biến động ảnh hưởng đến giá cả!

Ngày 5/10 tại Tp.HCM, Hiệp hội Mía đường Việt Nam tổ chức hội nghị vào niên vụ mới. Nhiều doanh nghiệp cho rằng hiện tại các cơ quan chức năng chưa nắm rõ và nắm hết diễn biến và số lượng đường nhập lậu qua biên giới Tây Nam và miền Trung nhưng tình hình kinh doanh trong niên vụ mới thật là đáng lo. Xu hướng cho thấy giá đường khó tăng cao trở lại. Phần kinh doanh sản phẩm thì "mạnh ai nấy lo", cơ quan quản lý sản xuất là Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng khó nắm rõ lượng đường hiện có mặt trên thị trường hoặc tồn kho của từng doanh nghiệp, từng vùng và cả nước.



Nguồn: vneconomy
Báo cáo phân tích thị trường