Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Người tiêu dùng hoang mang, sức mua giảm từ 10% - 20%
07 | 10 | 2008
Đã có hơn 20 mẫu sữa bị “dính” melamine trong tổng số hơn 500 mẫu sữa được kiểm nghiệm tại các cơ quan chức năng. Các thương hiệu trong nước đã nỗ lực hết mình để chứng minh sự “sạch sẽ” của các sản phẩm. Tuy vậy, đến thời điểm này người tiêu dùng lại đang rơi vào tình trạng bị nhiễu thông tin, sức mua trên thị trường giảm đáng kể.
Băn khoăn sữa nội, ngoại

Tại siêu thị Metro An Phú lúc 10 giờ ngày 5-10, khu vực trưng bày các loại sữa có khá nhiều khách hàng tần ngần không biết chọn loại sữa nào cho con mình. Chị Ánh Minh (quận 1) phân bua: Ra tiệm tạp hóa quen ở đường Nguyễn Thị Minh Khai thì họ nói đừng chọn sữa trong nước mà nên chọn sữa ngoại nhập thì tốt hơn vì chất lượng đồng nhất.

Tuy nhiên, chị đang cân nhắc vì đến thời điểm này vẫn chưa có thông tin nào về kết quả kiểm nghiệm các loại sữa ngoại nhập từ phía các cơ quan chức năng. Đây cũng là tình trạng chung của những khách hàng khi đến mua sữa tại hầu hết các hệ thống siêu thị như Co.opMart, Citimart, BigC. Đại diện của Saigon Co.op cho rằng, sau “sự cố melamine”, người tiêu dùng đã trở nên “khó tính” hơn khi mua sữa.

Đại diện của Nutifood cho rằng, mặc dù các DN đã rất chủ động để chứng minh về chất lượng sản phẩm. Song người tiêu dùng lo lắng là có cái lý của họ. Đến thời điểm này (trừ Vinamilk), phần lớn các DN trong nước mới chỉ nhận được khoảng 60% số mẫu kiểm nghiệm chất lượng sữa. Thêm một khó khăn khác, các DN cũng gặp nhiều bất lợi vì các cửa hàng đang tập trung quảng bá cho các thương hiệu sữa ngoại, trong khi giá trị của một hộp sữa ngoại nhập lớn hơn nhiều so với sữa nội. Điều này không thể trách họ được vì nguyên tắc kinh doanh, sản phẩm nào mang lại lợi nhuận nhiều hơn thì sẽ được quảng bá nhiều hơn.

Sức mua giảm khá mạnh

Theo đại diện cho Nutifood và Vinamilk, ngay sau “cơn bão melamine”, doanh số của 2 doanh nghiệp này bị giảm đáng kể. Tuy vậy, khoảng từ ngày 20-9 đến nay sức mua đã trở lại bình thường và đến thời điểm này đang có dấu hiệu tăng lên. Ông Trần Bảo Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sữa Việt Nam – Vinamilk cho biết, mặc dù chưa có con số thống kê chính thức song doanh thu nội địa của Vinamilk đang tăng khá tốt. Đáng chú ý, doanh thu từ xuất khẩu của Vinamilk trong tháng 9 dự kiến sẽ đạt tới 134 tỷ đồng – mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Điều này cho thấy, Vinamilk đã và đang làm hết sức mình để mang đến cho người tiêu dùng trong và ngoài nước sản phẩm tốt nhất với giá thành cạnh tranh.

Trong khi đó, các siêu thị đều cho biết sức mua hầu hết các loại sữa đã giảm đáng kể. Ông Ngô Văn Hải, Phó Giám đốc hệ thống siêu thị Citimart cho biết, doanh thu đối với riêng ngành hàng sữa và một số loại bánh kẹo có sử dụng nguyên liệu sữa giảm 10% - 20%. Riêng mặt hàng sữa dành cho người lớn thì mức giảm có thể nhiều hơn con số nêu trên.

Cơ quan chức năng phải vào cuộc mạnh mẽ hơn

Đại diện của hầu hết các siêu thị đều cho rằng, việc ngưng hoặc tiếp tục bán các sản phẩm hiện nay chủ yếu phụ thuộc vào việc họ đọc trên mặt báo. Nếu báo chí thông tin là DN đó có sử dụng nguồn gốc sữa từ Trung Quốc hoặc sản phẩm bị nhiễm melamine thì ngay lập tức sản phẩm của DN đó bị rút khỏi quầy kệ và ngược lại.

Giám đốc một siêu thị nhìn nhận, cách làm này cho thấy các nhà phân phối rất thụ động trong việc xử lý thông tin, bởi lẽ ngay từ khâu đầu vào họ đã không chủ động loại trừ được những sản phẩm kém chất lượng hoặc có vấn đề. Điều này không có lợi cho người tiêu dùng. Để tránh những trường hợp đáng tiếc như vụ nước tương có 3-MCPD và nay là sữa có melamine thì các cơ quan cần phải vào cuộc mạnh mẽ hơn, thông qua việc chủ động lập danh sách những chất có thể phát sinh trong quá trình sản xuất các sản phẩm trong giới hạn cho phép. Làm được việc này, chúng ta sẽ có thể kiểm soát được thị trường, một khi vụ việc xảy ra người tiêu dùng cũng đỡ hoang mang hơn.

Riêng đối với các loại sữa nhập khẩu, đến thời điểm này người tiêu dùng cũng mù thông tin về chất lượng. Đây là một thiệt thòi lớn cho người tiêu dùng vì họ bỏ tiền ra mua một sản phẩm giá trị lớn song lại không mua được sự yên tâm. Theo chúng tôi, ngoài việc đưa ra tiêu chí cụ thể cho sữa ngoại thì các cơ quan chức năng cũng phải có động tác kiểm tra ngược các sản phẩm đang lưu thông trên thị trường để trấn an người tiêu dùng. Đồng thời cần làm rõ giới hạn cho phép của melamine trong quá trình sản xuất thực phẩm để người tiêu dùng không quá cực đoan đối với những sản phẩm có chứa chất này.

THÚY HẢI

UBND TPHCM yêu cầu tăng cường kiểm tra mặt hàng sữa
* Đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học

(SGGP). - UBND TPHCM vừa giao cho Sở Y tế phối hợp với các sở ngành có liên quan và UBND các quận, huyện tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát và tuyên truyền về việc sử dụng sữa và các sản phẩm sữa trên địa bàn TP. Theo đó, Sở Y tế phải tổng hợp báo cáo nhanh hàng ngày, hàng tuần cho Thường trực UBND TP và Bộ Y tế về tình hình và kết quả triển khai kiểm tra để có sự chỉ đạo và giải quyết kịp thời.

* Bộ GD-ĐT vừa ban hành văn bản gởi các sở GD-ĐT, các trường đại học, học viện, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục.

Theo đó, để đảm bảo sức khỏe cho trẻ em, học sinh, sinh viên trong các trường học, bộ đề nghị các sở, các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành các quy định về đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cho trẻ em, học sinh, sinh viên, giáo viên, cán bộ nhân viên nhà trường. Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học, không sử dụng sản phẩm chứa melamine (theo thông báo của Bộ Y tế) và các sản phẩm sữa không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác, quá hạn sử dụng. Đề nghị các công ty hợp đồng cung cấp sữa cho trường học xuất trình giấy xét nghiệm định tính chất melamine trong sữa theo quy định…

TH. HẢI - L.LINH




Nguồn: SGGP
Báo cáo phân tích thị trường