Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức
27 | 09 | 2007
Ngày 9/11/2006, Thủ tướng chính phủ đã ký quyết định ban hành Nghị định 131 về quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức.

QUY CHẾ

Quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức

(Ban hành kèm theo Nghị định số 131/2006/NĐ-CP

ngày 09 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ)

___________

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy chế này điều chỉnh công tác quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức.

Hỗ trợ phát triển chính thức (sau đây gọi tắt là ODA) trong Quy chế này được hiểu là hoạt động hợp tác phát triển giữa Nhà nước hoặc Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với nhà tài trợ là chính phủ nước ngoài, các tổ chức tài trợ song phương và các tổ chức liên quốc gia hoặc liên chính phủ.

2. Hình thức cung cấp ODA bao gồm:

a) ODA không hoàn lại: là hình thức cung cấp ODA không phải hoàn trả lại cho nhà tài trợ;

b) ODA vay ưu đãi (hay còn gọi là tín dụng ưu đãi): là khoản vay với các điều kiện ưu đãi về lãi suất, thời gian ân hạn và thời gian trả nợ, bảo đảm “yếu tố không hoàn lại” (còn gọi là “thành tố hỗ trợ”) đạt ít nhất 35% đối với các khoản vay có ràng buộc và 25% đối với các khoản vay không ràng buộc;

c) ODA vay hỗn hợp: là các khoản viện trợ không hoàn lại hoặc các khoản vay ưu đãi được cung cấp đồng thời với các khoản tín dụng thương mại, nhưng tính chung lại có “yếu tố không hoàn lại” đạt ít nhất 35% đối với các khoản vay có ràng buộc và 25% đối với các khoản vay không ràng buộc.

3. Các phương thức cơ bản cung cấp ODA gồm có:

a) Hỗ trợ dự án;

b) Hỗ trợ ngành;

c) Hỗ trợ chương trình;

d) Hỗ trợ ngân sách.

4. Cơ chế tài chính trong nước đối với việc sử dụng ODA:

a) Cấp phát từ ngân sách nhà nước;

b) Cho vay lại từ ngân sách nhà nước;

c) Cấp phát một phần, cho vay lại một phần từ ngân sách nhà nước.

Điều 2. Nguyên tắc cơ bản trong quản lý và sử dụng ODA

1. ODA là nguồn vốn quan trọng của ngân sách nhà nước, được sử dụng để hỗ trợ thực hiện các chương trình, dự án ưu tiên về phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ.

2. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về ODA trên cơ sở tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, có phân công, phân cấp, gắn quyền hạn với trách nhiệm, đảm bảo sự phối hợp quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ và phát huy tính chủ động của các cấp, các cơ quan quản lý ngành, địa phương và các đơn vị thực hiện.

3. Thu hút ODA đi đôi với việc nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo đảm khả năng trả nợ nước ngoài, phù hợp với năng lực tiếp nhận và sử dụng ODA của các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị thực hiện.

4. Bảo đảm tính đồng bộ và nhất quán của các quy định về quản lý và sử dụng ODA; bảo đảm sự tham gia rộng rãi của các bên có liên quan; hài hoà quy trình thủ tục giữa Chính phủ và nhà tài trợ.

5. Tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế về ODA mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trong trường hợp điều ước quốc tế về ODA mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với các quy định của pháp luật Việt Nam thì thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế đó.

Điều 3. Lĩnh vực ưu tiên sử dụng ODA

Vốn ODA được ưu tiên sử dụng cho những chương trình, dự án thuộc các lĩnh vực:

1. Phát triển nông nghiệp và nông thôn (bao gồm nông nghiệp, thuỷ lợi, lâm nghiệp, thủy sản) kết hợp xoá đói, giảm nghèo.

2. Xây dựng hạ tầng kinh tế đồng bộ theo hướng hiện đại.

3. Xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội (y tế, giáo dục đào tạo, dân số và phát triển và một số lĩnh vực khác).

4. Bảo vệ môi trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

5. Tăng cường năng lực thể chế và phát triển nguồn nhân lực; chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và triển khai.

6. Một số lĩnh vực khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Chi tiết văn bản xin xem tại đây: Nghị định 131.DOC



(Nguồn: Chính phủ)
Báo cáo phân tích thị trường