Hiệp hội Chè Việt Nam (Vitas) cảnh báo, ngành chè Việt Nam có nhiều khả năng mất thị trường EU sau khi Anh và nhiều nước châu Âu đưa ra thông báo về việc dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong các sản phẩm chè xuất khẩu vượt ngưỡng cho phép nhiều lần.Cũng theo Vitas, từ 3 đến 5 năm tới, lượng chè gói tiêu thụ trên thị trường Nga sẽ chiếm 30 đến 50% tổng lượng chè xuất khẩu hàng năm của Việt Nam, tăng khoảng 30% so với mức hiện nay. Để không bị mất đi thị trường lớn này, ngành chè cần đầu tư thêm khoảng 90 đến 100 cơ sở chế biến chè, công suất 12 tấn búp tươi/ngày/cơ sở. Điều quan trọng là chất lượng chè phải được nâng lên một bước.
Hiện các nước nhập khẩu hàng Việt Nam đều đang tích cực áp dụng những rào cản kỹ thuật nhằm bảo vệ người tiêu dùng và sức khỏe cộng đồng. Vì vậy, đòi hỏi về chất lượng chè xuất khẩu sẽ ngày càng khắt khe. Vào năm 2015, tiêu chuẩn thực phẩm toàn cầu (ISO 2015) sẽ được ban hành. Các nhà xuất khẩu Việt Nam phải đặc biệt lưu tâm đến điều này để tránh nguy cơ mất thị trường xuất khẩu chỉ vì vài doanh nghiệp không chấp hành đúng luật.
Theo số liệu thống kê sơ bộ, 4 tháng đầu năm, xuất khẩu chè các loại ước đạt 27 nghìn tấn, trị giá 26 triệu USD, tăng 8% về lượng, 4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.