Nông thuỷ sản và thực phẩm
Hoa Kỳ là nước sản xuất lớn về nông nghiệp. Tuy nhiên, năm 2005 nông nghiệp chỉ đóng góp khoảng 1% GDP của nước này. Sản xuất nông nghiệp ở Hoa Kỳ được cơ giới hóa cao, cần tương đối ít lao động và có năng suất cao; do vậy, giá thành sản xuất nông nghiệp ở Hoa Kỳ trên đơn vị trọng lượng tương đối thấp. Ở Hoa Kỳ lao động nông nghiệp chỉ chiếm 0,7% tổng số lao động của nước này nhưng cũng đóng góp tới 1% GDP, trong khi đó ở nước ta nông nghiệp sử dụng trên 60% lao động nhưng chỉ tạo ra khoảng 23% GDP.
Hoa Kỳ vừa là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới về nông thuỷ sản và thực phẩm, đồng thời cũng là nước nhập khẩu lớn nhất thế giới đối với nhóm hàng này. Năm 2005, Hoa Kỳ xuất khẩu xấp xỉ 68,7 tỷ USD, tăng 2,7% so với năm 2004 và nhập khẩu 73 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2004. Trong nhiều thập kỷ qua, năm 2004 là năm đầu tiên cán cân thương mại hàng nông thuỷ sản và thực phẩm của Hoa Kỳ bị thâm hụt tới 104 triệu USD so với mức thặng dư 3,8 tỷ USD năm 2003. Năm 2005, thâm hụt này đã vọt lên tới trên 4,3 tỷ USD.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới thâm hụt này là kim ngạch xuất khẩu hạt có dầu năm 2005 giảm từ 8,9 tỷ USSD xuống 6,6 tỷ USD, (giảm 28%) và Ngũ cốc giảm từ 2,9 tỷ USD xuống 1,1 tỷ USD (giảm 13,9%) do sản lượng giảm, giá quốc tế giảm, và lưu thông hàng hoá ở cảng Hoa Kỳ bị chậm lại do bão Katrina, đồng thời nhập khẩu tất cả các mặt hàng nông sản của Hoa kỳ đều tăng.
Xuất khẩu
Các nông sản xuất khẩu chủ đạo của Hoa Kỳ bao gồm lúa mì, ngô, lúa mạch, đỗ tương, hạt có dầu, thức ăn gia súc, bông và thuốc lá. Riêng kim ngạch xuất khẩu ngũ cốc năm 2005 của Hoa Kỳ đã đạt tới gần 11,1 tỷ USD (trong đó ngô và lúa mì chiếm khoảng 83%), tiếp theo là các loại hạt có dầu xấp xỉ 6,6 tỷ USD, thức ăn gia súc 4,6 tỷ USD, bông 4,0 tỷ USD và thức ăn tổng hợp cho trẻ sơ sinh, mạch nha và các thức ăn khác 3,2 tỷ USD. Xuất khẩu thịt gia súc và thịt bò đã tăng trở lại sau khi giảm mạnh (từ 3,5 tỷ USD năm 2003 xuống còn 606 triệu USD năm 2004 do ảnh hưởng của bệnh bò điên), năm 2005 tăng 72% so với năm 2004 đạt 1,04 tỷ USD.
Bảng: Các mặt hàng nông thuỷ sản và thực phẩm
xuất khẩu chính của Hoa Kỳ
(Đơn vị: triệu USD)
Các mặt hàng | 2001 | 2002 | 2003 | 2004 | 2005 |
Tổng kim ngạch | 60.109 | 58.345 | 64.706 | 66.908 | 68.698 |
Ngũ cốc | 9.397 | 9.929 | 10.429 | 12.883 | 11.096 |
Hạt có dầu | 5.642 | 5.790 | 8.153 | 8.911 | 6.527 |
Thức ăn gia súc | 4.508 | 4.189 | 4.207 | 4.160 | 4.535 |
Bông | 2.164 | 2.015 | 3.203 | 4.222 | 3.920 |
Thức ăn tổng hợp cho trẻ sơ sinh, mạch nha và các thức ăn khác | 2.729 | 2.582 | 2.546 | 2.868 | 3.149 |
Cá (tươi, đông lạnh, chế biến …) | 2.411 | 2.287 | 2.354 | 2.735 | 2.995 |
Các loại hạt ăn được | 1.309 | 1.542 | 1.785 | 2.242 | 2.925 |
Gia cầm | 2.376 | 1.817 | 2.022 | 2.280 | 2.795 |
Da sống, và các sản phẩm da | 2.650 | 2.390 | 2.492 | 2.730 | 2.580 |
Thịt lợn | 1.364 | 1.286 | 1.330 | 1.866 | 2.246 |
Động vật và thịt động vật | 1.631 | 1.460 | 1.778 | 1.460 | 1.821 |
Dầu/mỡ động thực vật | 1.405 | 1.917 | 1.986 | 1.965 | 1.808 |
Rau tươi hoặc đông lạnh | 1.304 | 1.353 | 1.408 | 1.449 | 1.621 |
Mì ống, mì sợi và bánh mì | 1.153 | 1.184 | 1.287 | 1.381 | 1.575 |
Rau và nấm đã chế biến | 1.387 | 1.365 | 1.408 | 1.449 | 1.548 |
Sản phẩm sữa | 723 | 618 | 679 | 1.066 | 1.195 |
Thịt gia súc và bò | 3.335 | 2.952 | 3.501 | 605 | 1.041 |
Các loại qủa tươi | 2.168 | 2.178 | 2.138 | 2.421 | 2.751 |
Coca, socola, bánh kẹo | 997 | 817 | 914 | 946 | 991 |
Nguồn: Tổng hợp từ nguồn USITC
Các thị trường xuất khẩu nông thuỷ sản và thực phẩm chính của Hoa Kỳ năm 2005 là Canada (11,15 tỷ USD), Nhật bản (9,84 tỷ USD), Mêhicô (9,68 tỷ USD), EU 25 (7,95 tỷ USD), Trung Quốc (5,65 tỷ USD), và Hàn Quốc (2,65 tỷ USD). Xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Canada và Mêhicô có xu hướng tăng ổn định và dài hạn. Sau khi Trung Quốc gia nhập WTO và mở cửa thị trường nông sản, xuất khẩu nông sản và thực phẩm của Hoa Kỳ vào thị trường này đã tăng nhanh, năm 2003 tăng 141% so với năm 2002, và năm 2004 tăng 14,6% so với năm 2003. Tuy nhiên, năm 2005, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Hoa Kỳ sang Trung Quốc đã giảm khoảng 4% so với năm 2004.
Nhập khẩu
Trước năm 2004, Hoa Kỳ luôn là nước xuất siêu về nông thuỷ sản và thực phẩm, song từ năm 2004 Hoa Kỳ đã trở thành nước nhập siêu với tốc độ tăng rất cao. Năm 2005, Hoa Kỳ đã nhập siêu khoảng 4,3 tỷ USD hàng nông sản và thực phẩm, tăng trên 4.000% so với mức 104 triệu USD năm 2004.
Nhập khẩu nông thuỷ sản và thực phẩm của Hoa Kỳ có xu hướng tăng trong các năm gần đây do thị trường có nhu cầu đối với các loại sản phẩm có trị gía gia tăng cao, tươi sống, và cần nhiều lao động như các loại hoa qủa, hạt, rau, cà phê, chè, các loại đồ uống, và thuỷ sản. Tăng thu nhập cá nhân ở Hoa Kỳ là nguyên nhân chính dẫn đến tăng nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm có trị giá gia tăng cao được nhập khẩu từ nước ngoài như vừa nêu, đặc biệt là trong thời gian không phải là mùa vụ đối với các loại nông sản này ở Hoa Kỳ và sự gia tăng người nước ngoài nhập cư vào Hoa Kỳ cũng là những nguyên nhân dẫn đến tăng nhập khẩu các loại nông thuỷ sản và thực phẩm.
Nhập khẩu nông thuỷ sản của Hoa Kỳ tăng cũng một phần do năng lực vận tải phát triển cho phép tiết kiệm thời gian và chi phí vận tải hàng hóa, và một phần do Hoa Kỳ giảm bớt các hàng rào nhập khẩu nông sản. Nhiều nước đang phát triển, thường là với sự hợp tác đầu tư của nước ngoài, đã tận dụng lợi thế so sánh như giá lao động rẻ, khí hậu thuận lợi và tỷ giá ngoại hối thuận lợi phát triển mạnh các loại nông thuỷ sản có trị giá cao chủ yếu để xuất khẩu sang các nước phát triển, trong đó có Hoa Kỳ. Việc Hoa Kỳ và các nước phát triển đã cam kết tại Hội nghị Bộ trưởng WTO ở Hồng Kông tháng 12/2005 sẽ loại bỏ thuế quan, trợ cấp và các hàng rào bảo hộ nông nghiệp để mở cửa thị trường cho nông sản của các nước nghèo cũng là một cơ hội mới cho nhiều nước xuất khẩu nông sản, trong đó có Việt Nam.
Khoảng 43% kim ngạch nhập khẩu nông thuỷ sản và thực phẩm của Hoa Kỳ trong năm 2005 là các sản phẩm nuôi trồng. Mười năm qua, tỷ lệ tăng trưởng trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trung bình 8% năm. Thực phẩm chế biến và đồ uống chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch nhập khẩu của Hoa Kỳ về nông thuỷ sản và thực phẩm trong năm 2005. Nhìn chung, kim ngạch nhập khẩu nông thuỷ sản và thực phẩm đều tăng, một số sản phẩm như thủy sản; chè và cà phê; rượu mạnh; các loại bia; đường và chất tạo ngọt; và Coca, socola và các loại bánh kẹo là những sản phẩm có tỷ lệ tăng trưởng nhập khẩu cao nhất, trong đó thủy sản và cà phê là hai mặt hàng tăng trưởng cao nhất.
Thuỷ sản là nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất. Kim ngạch của riêng nhóm hàng này năm 2004 xấp xỉ 11,2 tỷ USD, chiếm gần 17% tổng kim ngạch nhập khẩu nông thuỷ sản và thực phẩm. Xu hướng tăng nhập khẩu thuỷ sản vẫn sẽ tiếp tục vì thuỷ sản được coi là thực phẩm tốt cho sức khỏe hơn là các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật. Năm 2005, kim ngạch nhập khẩu của nhóm hàng này xấp xỉ 12 tỷ USD đã tăng 7,2% so với năm 2004,chiếm gần 16,31% tổng kim ngạch nhập khẩu nông thuỷ sản và thực phẩm..
Cà phê cũng là mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn và đáng quan tâm đối với Việt Nam. Hoa Kỳ là nước tiêu thụ và nhập khẩu cà phê lớn nhất thế giới. Người Mỹ uống cà phê như người Việt Nam uống chè. Hoa Kỳ không trồng cà phê nên tất cả cà phê tiêu dùng ở Hoa Kỳ kể cả cà phê nguyên liệu đều từ nguồn nhập khẩu. Nhu cầu nhập khẩu cà phê của nước này tương đối ổn định mỗi năm trên 1 triệu tấn. Tuy nhiên, do giá cà phê thế giới thường biến động nên trị giá nhập khẩu cũng thường biến động theo.
Trị giá nhập khẩu cà phê vào Hoa Kỳ các năm 2001, 2002, 2003, 2004, và 2005 lần lượt là 1,515, 1,524, 1,776, 2,064, và 2,775 tỷ USD. Khoảng 70% cà phê nhập khẩu vào Hoa Kỳ là loại cà phê arabica (chủ yếu từ Côlômbia, Brazil, Mêhicô...) và 30% còn lại là cà phê robusta (chủ yếu từ Việt Nam và Inđônêxia).Năm 2005 nhập khẩu cà phê của Hoa kỳ tăng 34,5% so với năm 2004, do giá quốc tế tăng và sản lượng cà phê từ các nhà cung cấp giảm thấp nhất trong 4 năm qua.
Bảng: Các mặt hàng nông thuỷ sản và thực phẩm
nhập khẩu chính của Hoa Kỳ
(Đơn vị: Triệu USD)
Các mặt hàng | 2001 | 2002 | 2003 | 2004 | 2005 |
Tổng kim ngạch | 55.599 | 55.591 | 60.899 | 67.102 | 73.050 |
Thuỷ sản có vỏ (tôm, cua, sò...) | 5.908 | 5.910 | 6.492 | 6.472 | 6.696 |
Cá (tươi, đông lạnh, chế biến…) | 3.824 | 4.122 | 4.438 | 4.696 | 5.223 |
Thịt gia súc và bò | 4.062 | 4.038 | 3.302 | 3.909 | 4.410 |
Rượu mạnh đã chưng cất | 2.848 | 3.111 | 3.453 | 3.734 | 4.106 |
Coca, socola và các loại bánh kẹo | 2.301 | 2.662 | 3.535 | 3.627 | 3.927 |
Rau tươi hoặc đông lạnh | 2.628 | 2.758 | 3.250 | 3.650 | 3.871 |
Rượu vang và các loại thức uống đã lên men | 2.316 | 2.740 | 3.307 | 3.445 | 3.797 |
Cà phê và chè | 1.915 | 1.942 | 2.228 | 2.560 | 3.309 |
Các loại bia từ malt | 2.333 | 2.566 | 2.664 | 2.752 | 3.081 |
Mì ống, mì sợi và bánh mì các loại | 1.902 | 2.191 | 2.501 | 2.719 | 3.016 |
Dầu và mỡ động hoặc thực vật | 1.128 | 1.285 | 1.491 | 2.193 | 2.294 |
Rau và nấm đã chế biến | 1.493 | 1.574 | 1.779 | 2.044 | 2.147 |
Động vật và thịt động vật | 1.509 | 1.510 | 1.683 | 1.972 | 2.128 |
Sản phẩm sữa | 1.574 | 1.488 | 1.654 | 1.911 | 2.102 |
Các loại quả tươi | 3.259 | 3.507 | 3.697 | 3.970 | 4.562 |
Thức ăn tống hợp trẻ sơ sinh, mạch nha và thức ăn chế biến sẵn | 659 | 795 | 920 | 1.211 | 1.345 |
Đồ uống không cồn, không kể nước ép hoa quả | 745 | 823 | 966 | 1.158 | 1.329 |
Đường và các chất tạo ngọt khác | 843 | 961 | 1.035 | 979 | 1.323 |
Thịt lợn | 1.129 | 1.026 | 1.143 | 1.335 | 1.314 |
Nguồn: Nguồn: Tổng hợp từ nguồn USITC
Các nước xuất khẩu chính nông thuỷ sản và thực phẩm vào Hoa Kỳ là Canada (15 tỷ USD), EU (14,8 tỷ USD), Mêhicô (9,4 tỷ USD), Trung Quốc (3,4 tỷ USD), và Ôxtrâylia (2,6 tỷ USD). Riêng kim ngạch nhập khẩu từ Canada và Mêhicô là hai nước thành viên NAFTA chiếm khoảng 33,5%, và vẫn có xu hướng tăng ổn định và dài hạn. Nhập khẩu nhóm hàng này từ Trung Quốc trong 4 năm qua kể từ khi nước này gia nhập WTO đều tăng cao; năm 2002 tăng khoảng 27,4% so với năm 2001; năm 2003 tăng 30% so với năm 2002; năm 2004 tăng 18,5% so với năm 2003; năm 2005 tăng 15% so với năm 2004.
Xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ
Việt nam đang xuất khẩu một số mặt hàng nông thủy sản sang Hoa Kỳ như: tôm đông lạnh, fillet cá, cá ngừ chế biến, thịt cua (ghẹ) chế biến, cà phê, hạt điều, tiêu. Năm 2005, kim ngạch xuất khẩu nông thuỷ sản (kể cả hàng đã chế biến) của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt khoảng 1 tỷ USD, trong đó gần 630 triệu USD là hàng thuỷ sản và khoảng 400 triệu USD là hàng nông sản. Trong các mặt hàng nông sản, cà phê đạt 182 nghìn tấn trị giá 150 triệu USD; hạt điều đạt 35 nghìn tấn trị giá 153 triệu USD; tiêu đạt hơn 20 nghìn tấn trị giá 31 triệu USD.
Mặc dù kim ngạch nhập khẩu nông thủy sản của Hoa Kỳ lớn và có xu hướng tăng cao, nhất là thủy sản và rau qủa nhiệt đới; song tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của Việt Nam sang Hoa Kỳ trong vài ba năm tới có thể sẽ không đáng kể. Nguyên nhân chính do hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực là tôm và phi lê cá đều đang phải chịu thuế chống bán phá giá và bị cấm tiêu thụ ở một số bang do dư lượng kháng sinh. Cà phê, điều và tiêu khó có khả năng tăng đột biến về số lượng, chưa kể giá có thể giảm do biến động chung của thị trường thế giới. Trước mắt, ngoài những mặt hàng hiện đang xuất như kể trên, chưa thấy có mặt hàng mới nào có khả năng thâm nhập vào thị trường này với trị giá đáng kể.
Hàng dệt may
Hoa Kỳ là thị trường tiêu dùng và nhập khẩu lớn nhất thế giới về hàng dệt may. Theo thống kê của của Uỷ ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ, năm 2003, tổng trị giá sản phẩm dệt may tiêu thụ ở Hoa Kỳ (bao gồm xơ, sợi, vải, thảm, hàng dệt trang trí và dùng trong nhà, quần áo…) xấp xỉ 190 tỷ USD, trong đó 105 tỷ là hàng sản xuất nội địa, còn lại là nhập khẩu.
Sản xuất nội địa
Mặc dù ngành công nghiệp dệt may Hoa Kỳ đã và đang liên tục giảm sút do sức cạnh tranh ngày càng giảm sút so với các nước đang phát triển chủ yếu do chi phí lao động không ngừng tăng, Hoa Kỳ vẫn là nước sản xuất lớn hàng dệt may. Năm 2005, giá trị sản lượng công nghiệp quần áo của nước này đạt 30,2 tỷ USD, công nghiệp dệt vải đạt 24,3 tỷ, công nghiệp xơ sợi đạt 17,2 tỷ, và công nghiệp dệt thảm đạt 14 tỷ. Công nghiệp dệt may Hoa Kỳ tập trung chủ yếu ở các bang phía Nam, trong đó North Carolina và South Carolina là hai bang có ngành công nghiệp dệt may lớn nhất.
Xuất khẩu
Sản phẩm ngành công nghiệp dệt may Hoa Kỳ chủ yếu được tiêu thụ trong nước. Xuất khẩu chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Kim ngạch xuất khẩu năm 2005 đạt xấp xỉ 17,9 tỷ USD trong đó vải và xơ sợi chiếm khoảng 60%. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là các nước trong khu vực (đặc biệt là Canada và Mêhicô). Vải (kể cả đã cắt) được chuyển sang các nước này để gia công thành quần áo và các sản phẩm khác, sau đó được nhập khẩu trở lại vào Hoa Kỳ.
Nhập khẩu
Năm 2005, kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may của Hoa Kỳ lên tới 100,5 tỷ USD và thâm hụt tới 82,6 tỷ.
Thâm hụt mậu dịch hàng dệt và may của Hoa Kỳ ngày càng lớn do nhập khẩu tăng mạnh hơn xuất khẩu. Phần lớn sự gia tăng nhập khẩu trong năm 2005 là do kết quả của việc loại bỏ hạn ngạch nhập khẩu từ ngày 1/1/2005 đối với hàng dệt may từ 39 nước là thành viên WTO. Trong khi đó, sản xuất nội địa giảm 0,5% đối với hàng dệt và 3% đối với hàng may. Tăng nhập khẩu từ các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc là nguyên nhân chính làm tăng thâm hụt.
Đối với quần áo, Hoa Kỳ là một trong hai thị trường nhập khẩu chính của thế giới bên cạnh EU. Năm 2005, trong số 100,5 tỷ USD nhập khẩu hàng dệt may thì 76,5 tỷ là hàng quần áo, chiếm 76%. Năm 2005, trong số 82,6 tỷ USD nhập siêu hàng dệt may thì nhập siêu hàng may chiếm khoảng 72,4 tỷ. Bảy nhóm hàng may có kim ngạch nhập khẩu trên 2 tỷ USD năm 2005 là: sơ mi nam nữ (23,7 tỷ); quần nữ (9,7 tỷ); quần nam (7,8 tỷ ); áo khoác, váy, và áo khoác ngoài nữ (6,9 tỷ), quần áo lót và đồ ngủ (5,4 tỷ), áo len (2,8 tỷ); áo jacket và khoác ngoài nam (2,6 tỷ); găng tay kể cả găng tay thể thao (2,7 tỷ).
Bảng: Kim ngạch nhập khẩu một số hàng dệt may
(Đơn vị: triệu USD)
Tên nhóm hàng | 2001 | 2002 | 2003 | 2004 | 2005 | |
|
Thảm và chiếu | 1.410 | 1.531 | 1.662 | 1.829 | 1.993 | |
| | | | | | |
Chăn | 230 | 353 | 391 | 459 | 514 | |
Vỏ gối và vải trải giường | 765 | 903 | 1.046 | 1.353 | 1.904 | |
Vải trải bàn/bếp và khăn | 1.080 | 1.236 | 1.418 | 1.646 | 1.864 | |
Rèm | 397 | 576 | 725 | 858 | 1.017 | |
Vải trải giường và các hàng nội thất khác | 515 | 735 | 1.001 | 1.144 | 1.284 | |
Gối, đệm và túi ngủ | 340 | 417 | 437 | 645 | 860 | |
Thảm thêu và các vật treo tường | 5 | 6 | 4 | 3 | 6 | |
Quần áo | | | | | | |
Comple nam và quần áo thể thao | 1.026 | 974 | 1.143 | 1.139 | 1.359 | |
Áo khoác nam | 1.992 | 1.876 | 2.001 | 2.134 | 2.255 | |
Quần nam | 6.980 | 6.973 | 7.459 | 7.568 | 7.776 | |
Quần nữ | 7.668 | 7.996 | 8.923 | 9.325 | 9.663 | |
Áo sơ mi | 19.676 | 19.765 | 21.285 | 22.474 | 23.664 | |
Áo len | 2.933 | 2.959 | 2.729 | 2.632 | 2.809 | |
Vét, váy và áo khoác nữ | 4.417 | 4.235 | 4.803 | 5.866 | 6.941 | |
Váy nữ | 1.675 | 1.550 | 1.524 | 1.465 | -59 | |
Váy ngủ, đồ mặc ngủ và đồ lót | 4.796 | 4.961 | 5.044 | 5.246 | 5.418 | |
Tất | 923 | 1.031 | 1.091 | 1.316 | 1.366 | |
Quần áo hỗ trợ thân thể | 1.434 | 1.648 | 1.579 | 1.800 | 1.854 | |
Khăn quàng cổ, mùi xoa | 457 | 432 | 494 | 698 | 748 | |
Găng tay và găng tay thể thao | 2.119 | 2.176 | 2.386 | 2.533 | 2.757 | |
Đồ đội đầu | 1.288 | 1.279 | 1.358 | 1.526 | 1.509 | |
Quần áo da và phụ kiện | 2.121 | 1.869 | 1.743 | 1.605 | 1.512 | |
Quần áo lông thú và phụ kiên | 264 | 245 | 285 | 334 | 314 | |
Quần áo cao su, nhựa và vải tráng phủ | 381 | 349 | 371 | 462 | 470 | |
Quần áo không dệt | 411 | 401 | 401 | 395 | 419 | |
Các loại đồ mặc khác | 3.433 | 3.287 | 3.630 | 3.828 | 4.204 | |
Các hàng dệt khác | 3.198 | 3.340 | 3.754 | 4.319 | 4.651 | |
Các nước xuất khẩu dệt may chính vào Hoa Kỳ là Trung Quốc, Mêhicô, Ấn độ, Hồng kông, Canada, Hàn Quốc, Inđônêsia, Honduras, Việt Nam, và Italia.
Bảng: Các nước xuất khẩu dệt may chính vào Hoa Kỳ
(Đơn vị: triệu USD)
| 2001 | 2002 | 2003 | 2004 | 2005 |
Trung Quốc | 6.536 | 8.744 | 11.609 | 14.558 | 22.405 |
Mêhicô | 8.945 | 8.619 | 7.941 | 7.793 | 7.246 |
Ấn độ | 2.633 | 2.993 | 3.212 | 3.633 | 4.617 |
Hồng Kông | 4.403 | 4.032 | 3.818 | 3.959 | 3.607 |
Indônêsia | 2.553 | 2.329 | 2.376 | 2.620 | 3.081 |
Việt Nam | 49 | 952 | 2.484 | 2.720 | 2.881 |
Pakistan | 1.924 | 1.983 | 2.215 | 2.546 | 2.904 |
Bangladesh | 2.205 | 1.990 | 1.939 | 2.066 | 2.457 |
Canada | 3.162 | 3.199 | 3.118 | 3.086 | 2.844 |
Honduras | 2.348 | 2.444 | 2.507 | 2.678 | 2.629 |
Thái Lan | 2.441 | 2.203 | 2.072 | 2.198 | 2.124 |
Philippines | 2.248 | 2.042 | 2.040 | 1.938 | 1.921 |
Cộng | 39.448 | 41.528 | 45.330 | 49.795 | 58.717 |
Các nước khác | 30.792 | 30.655 | 32.104 | 33.516 | 30.489 |
Tổng cộng | 70.240 | 72.183 | 77.434 | 83.310 | 89.205 |
Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Trung Quốc vào Hoa Kỳ không những lớn nhất mà còn có tốc độ tăng trưởng cao. Sau khi hạn ngạch nhập khẩu hàng dệt may được xóa bỏ giữa các nước thành viên WTO, xuất khẩu dệt may của Trung Quốc vào Hoa Kỳ đã tăng vọt. Năm 2005, Trung Quốc xuất vào Hoa Kỳ xấp xỉ 27 tỷ USD, tăng 42,5 % so với năm 2004 và chiếm xấp xỉ 27 % tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, sau khi Hoa Kỳ áp dụng trở lại hạn ngạch đối với Trung Quốc từ tháng 5/2005 thì tốc độ tăng nhập khẩu hàng dệt may từ nước này vào Hoa Kỳ đã chậm lại.
Trung Quốc hoàn toàn có thể thống trị thị trường dệt may thế giới nói chung và Hoa Kỳ nói riêng nếu không bị hạn chế bởi điều khoản tự vệ với Hoa Kỳ và EU. Sức mạnh cạnh tranh của Trung Quốc chủ yếu nhờ (1) chi phí lao lao động trên mỗi đơn vị sản phẩm rất thấp do mức lương thấp và năng suất lao động cao; (2) Trung Quốc có thể sản xuất các loại vải, phụ kiện trang trí, bao bì, và hầu hết các phụ kiện khác dùng để sản xuất hàng dệt may và các sản phẩm dệt khác; (3) Trung Quốc được giới chuyên môn đánh giá là một nơi tốt nhất về sản xuất quần áo, và các sản phẩm dệt may khác với bất kỳ chất lượng nào hay với bất cứ mức giá nào; (4) Trung Quốc có khả năng cung cấp hàng dệt may với số lượng lớn trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, hiện tại, một số chủng loại dệt may Trung quốc đã bị Hoa Kỳ hạn chế trở lại bằng hạn ngạch cho đến hết năm 2008.
Tiếp theo Trung Quốc, Ấn Độ được đánh giá có khả năng cạnh tranh lớn thứ hai ở thị trường Hoa Kỳ. Năm 2005, Ấn Độ xuất khẩu vào Hoa Kỳ 5,2 ỷ USD, tăng 26,5 % so với năm 2004. Sức mạnh cạnh tranh của Ấn Độ dựa vào lực lượng lao động nhiều, khá rẻ, lành nghề; có khả năng thiết kế; là một trong những nước sản xuất sợi và vải lớn nhất thế giới; có thể sản xuất rất nhiều loại quần áo khác nhau; được coi là nguồn cung cấp cạnh tranh về các sản phẩm dệt sử dụng trong nhà như vải trải giường, khăn tắm.
Trong số các nước ASEAN, chỉ có Việt Nam và ở chừng mực thấp hơn là Inđônêsia được đánh giá là có khả năng cạnh tranh với Trung Quốc và Ấn Độ.
Nhập khẩu từ Việt Nam
Năm 2005, Hoa Kỳ nhập của Việt Nam xấp xỉ 3 tỷ USD hàng dệt may, tăng khoảng 6% so với năm 2004. Năm 2006, kim ngạch này ước đạt 3,4 – 3,5 tỷ USD. Hiện nay, Việt Nam là một trong 10 nước xuất khẩu lớn nhất hàng dệt may vào Hoa Kỳ.
Kể từ 11 tháng 1 năm 2007, hàng dệt may Việt Nam không còn phải chịu hạn ngạch nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Tuy nhiên, do Chính quyền Hoa Kỳ đang áp dụng cơ chế giám sát nhập khẩu hàng dệt may Viêt Nam và cam kết sẽ tự khởi điều tra bán phá giá nếu thấy có dấu hiệu bán phá giá; cho nên, nguy cơ bị điều tra và áp thuế chống bán phá giá rất cao nếu ta không có những biện pháp hữu hiệu để tránh tăng trưởng nóng về số lượng và sụt giảm mạnh về giá.
Giầy dép
Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất thế giới về giầy dép. Năm 2005, tổng giá trị giầy dép tiêu thụ tại Hoa Kỳ khoảng 19,7 tỷ USD, trong đó sản xuất trong nước là 1,9 tỷ (tính theo trị giá xuất xưởng), còn lại là hàng nhập khẩu (tính theo trị giá hải quan). Nếu tính theo giá bán lẻ thì tổng trị giá tiêu dùng giầy dép ở Hoa Kỳ năm 2005 xấp xỉ 60 tỷ USD.
Sản xuất nội địa
Theo thống kê của Uỷ ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ, năm 2005, ở Hoa Kỳ chỉ còn 310 cơ sở sản xuất giầy dép (so với 381 cơ sở năm 2001) với 18.000 công nhân và giá trị tổng sản lượng là 2,4 tỷ USD. Sản phẩm giầy dép sản xuất ở Hoa Kỳ chủ yếu đế giầy và những giầy dép loại không phổ thông và cạnh tranh không phải trên cơ sở giá mà trên cơ sơ như chủng loại đặc biệt (ví dụ, như giầy dép ngoại cỡ hoặc khâu tay), chất lượng, kênh phân phối, mẫu mốt mới, và thương hiệu.
Xuất khẩu
Xuất khẩu giầy dép của Hoa Kỳ không đáng kể và liên tục giảm. Năm 2005, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của Hoa Kỳ tuy tăng 12,7% so với năm 2004 nhưng cũng chỉ đạt 507 triệu USD. Xuất khẩu giầy dép của Hoa Kỳ phần lớn là đế giầy để gia công thành thành phẩm và nhập trở lại Hoa Kỳ. Do vậy, những nước xuất khẩu lớn nhất giầy dép vào Hoa Kỳ như Trung Quốc, Canada, Mêhicô, Việt Nam, Cộng hoà Đôminican đồng thời là những bạn hàng nhập khẩu chủ yếu về giầy dép của Hoa Kỳ.
Nhập khẩu
Khoảng trên 90% lượng giầy dép tiêu thụ ở Hoa Kỳ là hàng nhập khẩu. Năm 2005, Hoa Kỳ nhập khẩu tới 17,83 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2004 và 14,5% so với năm 2003. Giá bình quân giầy dép nhập khẩu tiếp tục giảm do giầy dép thường giá thấp chiếm tỷ lệ tiêu thụ ngày càng tăng.
Trung Quốc là nước xuất khẩu giầy dép lớn nhất vào Hoa Kỳ. Năm 2005, Trung Quốc xuất khẩu vào Hoa Kỳ 12,65 tỷ USD giầy dép, tăng 11,5 % so với năm 2004 và chiếm 71% trị giá nhập khẩu giầy dép của Hoa Kỳ. Tiếp theo Trung Quốc là Italia và Brazil, chiếm tương ứng 8% và 7%. Nhập khẩu từ Việt Nam tăng ổn định ở mức cao, bình quân mỗi năm 40 – 45% kể từ năm 2002 là năm bắt đầu thi hành Hiệp định thương mại song phương giũa hai nước. Năm 2005, Việt Nam đã vượt Inđônêxia trở thành nước xuất khẩu lớn thứ 4 về giầy dép vào Hoa Kỳ.
Bảng: Các nước xuất khẩu giầy dép chủ yếu vào Hoa Kỳ
(Đơn vị: triệu USD)
| 2001 | 2002 | 2003 | 2004 | 2005 |
Trung Quốc | 9.767 | 10.242 | 10.546 | 11.348 | 12.654 |
Italy | 1.261 | 1.182 | 1.241 | 1.250 | 1.137 |
Brazil | 1.162 | 1.080 | 1.040 | 1.081 | 1.019 |
Việt Nam | 132 | 224 | 325 | 473 | 717 |
Indonesia | 725 | 731 | 570 | 493 | 510 |
Thái Lan | 315 | 278 | 285 | 287 | 292 |
Mexico | 312 | 279 | 275 | 242 | 247 |
Tây Ban Nha | 273 | 269 | 235 | 225 | 192 |
CH Dominican | 193 | 140 | 138 | 137 | 141 |
Ấn độ | 101 | 96 | 110 | 125 | 139 |
Cộng | 14.241 | 14.520 | 14.765 | 15.662 | 17.048 |
Các nước khác | 1.008 | 859 | 794 | 836 | 786 |
Tổng cộng | 15.249 | 15.379 | 15.560 | 16.498 | 17.834 |
Do thâm hụt thương mại nói chung của Hoa Kỳ với Trung Quốc ngày càng lớn và thị phần giầy dép của Trung Quốc tại Hoa Kỳ quá lớn và ngày càng tăng, để tránh phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu từ Trung Quốc, đồng thời để chủ động đối phó với khả năng tăng giá đông Nhân dân tệ và tình trạng tăng giá và thiếu lao động đang xuất hiện và gia tăng trong ngành giầy dép Trung Quốc, một số công ty Hoa Kỳ đang có xu hướng tìm thêm nguồn hàng từ các nước khác, trong đó có Việt Nam. Ngoài ra, để đối phó với tình trạng trên, một số nhà cung cấp nước ngoài (đặc biệt là các công ty Đài Loan) cũng đang có xu hướng di chuyển bớt một số cơ sở sản xuất ở Trung Quốc sang một số nước khác, trong đó có Việt Nam.
Tại khu vực Đông Nam Á, Inđônêsia cũng là một nguồn cung cấp chính về giầy dép cho thị trường Hoa Kỳ. Tuy nhiên, do tình hình chính trị và xã hội Inđônêsia không được ổn định, nên các công ty Hoa Kỳ cũng có xu hướng giảm bớt nhập khẩu từ thị trường này, trong đó Việt Nam là một trong những thị trường thay thế. Kim ngạch xuất khẩu giầy dép của Inđônêsia vào Hoa Kỳ năm 2004 chỉ đạt 493 triệu USD, giảm 13,5% so với năm 2003 và 32,5% so với năm 2002. Năm 2005, xuất khẩu giầy dép của Inđônêsia vào Hoa Kỳ chỉ đạt 510 triệu USD, tăng khoảng 3,5%.
Nhập khẩu từ Việt Nam
Năm 2005, Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ 717 triệu USD giầy dép, tăng 51,5% so với năm 2004. Năm 2006, kim ngạch này ước đạt 930 - 950 triệu USD, tăng 30 – 32%. Hiện nay, Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ 4 về giầy dép vào Hoa Kỳ, sau Trung Quốc, Italy và Brazil.
Kim ngạch xuất khẩu giầy dép của Việt Nam sang Hoa Kỳ được dự báo tiếp tục tăng trưởng cao trong các năm tới do một số nhà nhập khẩu Hoa Kỳ có kế hoạch mở rộng đặt hàng từ Việt Nam, nhất là các loại hàng có yêu cầu sản xuất phức tạp và chất lượng từ trung bình khá trở lên để tận dụng thế mạnh lao động khéo tay của ta.
Bàn, ghế, giường, tủ
Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ lớn các loại bàn, ghế, gường, tủ … (sau đây gọi tắt theo tiếng Anh là furniture bao gồm cả furniture văn phòng và furniture nhà ở).
Tổng tiêu dùng
Theo thống kê của Uỷ ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ, tổng giá trị sản lượng tiêu thụ các mặt hàng này tại Hoa Kỳ năm 2005 là 93,6 tỷ USD (giá xuất xưởng), tăng khoảng 7,2% so với năm 2004. Trong số này có 69,3 tỷ là hàng sản xuất trong nước và 24,3 tỷ là hàng nhập khẩu.
Sản xuất nội địa
Năm 2005, Hoa Kỳ có 16.100 cơ sở sản xuất furniture với 455 nghìn công nhân, giảm 1.400 cơ sở và 45 nghìn công nhân so với năm 2001. Năm 2005, ngành công nghiệp này của Hoa Kỳ đạt giá trị tổng sản lượng là 72,3 tỷ USD, tăng xấp xỉ 6% so với năm 2004.
Xuất khẩu
Hầu hết sản phẩm của ngành công nghiệp furniture Hoa Kỳ là tiêu dùng trong nước. Trị giá xuất khẩu furniture của Hoa Kỳ năm 2005 chỉ đạt khoảng 3 tỷ USD, bằng 4,1% tổng giá trị sản lượng. Canada và Mêhicô là hai thị trường xuất khẩu furniture chính của Hoa Kỳ, chiếm khoảng 59% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này. Nguyên nhân là do chi phí vận chuyển sang hai nước này thấp và Mêhicô nhập nhiều linh kiện và phụ kiện thuộc nhóm hàng này từ Hoa Kỳ để lắp ráp thành thành phẩm và tái xuất trở lại Hoa Kỳ.
Nhập khẩu
Tổng trị giá nhập khẩu furniture của Hoa Kỳ năm 2005 là 24,3 tỷ USD, tăng 11,4% so với năm 2004. Các chủng loại nhập khẩu chính năm 2005 gồm: (1) furniture gỗ không bọc đệm đạt 11,3 tỷ, chiếm 46,4% tổng kim ngạch; (2) furniture kim loại có bọc đệm hoặc không bọc đệm đạt 5,4 tỷ, chiếm 22%; (3) furniture gỗ có bọc đệm đạt 2,6 tỷ, chiếm 10,8%; (4) còn lại là các loại furniture khác và linh kiện furniture, chiếm xấp xỉ 21%.
Trung Quốc là nước xuất khẩu furniture lớn nhất vào Hoa Kỳ. Năm 2005, xuất khẩu furniture của Trung Quốc vào Hoa Kỳ đạt 11,7 tỷ USD, tăng 2 tỷ so với năm 2004, và chiếm 79% trị giá tăng nhập khẩu furniture trong năm của Hoa Kỳ. Năm 2005, Trung Quốc chiếm 48% thị phần nhập khẩu furniture của Hoa Kỳ, tăng so với 45% trong năm 2004.
Nhập khẩu từ Trung Quốc tăng là do: (1) giá thành sản xuất thấp trong khi đó chất lượng ngày càng được nâng cao; (2) Nhiều công ty nước ngoài kể cả một số công ty hàng đầu của Hoa Kỳ đã di chuyển sản xuất sang Trung Quốc để tận dụng giá lao động rẻ dẫn đến tăng khả năng cung của nước này; (3) Một số nhà sản xuất furniture Hoa Kỳ cũng nhập một số bộ phận furniture sử dụng nhiều lao động từ Trung Quốc để lắp ráp vào sản phẩm của mình sản xuất tại Hoa Kỳ; (4) chi phí vận tải thấp; (5) quan hệ giữa các nhà sản xuất ở Trung Quốc với các nhà bán lẻ Hoa Kỳ ngày càng chặt chẽ.
Bảng: Nhập khẩu furniture của Hoa Kỳ
(Đơn vị: triệu USD)
Chủng loại | 2001 | 2002 | 2003 | 2004 | 2005 |
Furniture gỗ không bọc đệm | 6.909 | 8.184 | 9.086 | 10.274 | 11.276 |
Furniture gỗ bọc đệm | 1.352 | 1.637 | 1.985 | 2.337 | 2.623 |
Furniture kim loại có hoặc không bọc đệm | 3.600 | 3.919 | 4.399 | 4.896 | 5.381 |
Các loại khác và linh kiện | 2.978 | 3.288 | 3.565 | 4.312 | 5.017 |
Tổng cộng | 14.839 | 17.028 | 19.035 | 21.819 | 24.296 |
Nhập khẩu từ Việt Nam
Xuất khẩu furniture của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng mạnh trong mấy năm qua. Kim ngạch nhóm hàng này đã tăng từ 13 triệu USD năm 2001 lên 684 triệu USD năm 2005, đưa Việt Nam lên đứng thứ bẩy trong số các nước xuất khẩu furniture vào Hoa Kỳ.
Furniture của Việt Nam xuất vào Hoa Kỳ chủ yếu là hàng thuần gỗ. Năm 2005, kim ngạch của riêng mặt hàng này là 592 triệu USD, chiếm 86,5% tổng kim ngạch xuất khẩu furniture của Việt Nam sang Hoa Kỳ. Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu lớn thứ hai vào Hoa Kỳ đối với nhóm hàng thuần gỗ sau Trung Quốc. Hai nguyên nhân chính dẫn đến sự tăng trưởng này là khả năng cung của Việt Nam tăng mạnh (trong đó có đóng góp lớn của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài) và nhóm hàng đồ gỗ dùng trong phòng ngủ của Trung Quốc đang bị Hoa Kỳ đánh thuế chống bán phá giá.
Tuy nhiên, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam sang Hoa Kỳ đã chậm lại. Năm 2005 tăng khoảng 80%, song 8 tháng đầu năm 2006 chỉ tăng khoảng 25%. Bất lợi lớn nhất đối với công nhiệp chế biến gỗ của ta hiện nay là phụ thuộc nhập khẩu gỗ và các nguyên phụ liệu khác. Thế mạnh của ta là lao động rẻ và khéo tay. Một trong những điểm yếu chung nữa của các doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam là qui mô sản xuất nhỏ, khó có khả năng đáp ứng các đơn hàng lớn hoặc trở thành nhà sản xuất chiến lược của các đối tác Hoa Kỳ. Do vậy, để có thể cạnh tranh và tăng kim ngạch xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư hoặc liên kết để tăng khả năng đáp ứng các đơn hàng lớn và chuyển hướng sản xuất nhiều hơn hàng dùng trong nhà, kết hợp nhiều chất liệu khác nhau, và phức tạp sử dụng nhiều lao động khéo tay.
Furniture bằng kim loại, nhựa hoặc các chất liệu khác còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng xuất khẩu furniture của Việt Nam sang Hoa Kỳ, mặc dù nhu cầu đối với các mặt hàng này ở Hoa Kỳ cũng rất lớn.
Sản phẩm điện tử
Hàng điện tử đề cập trong phần này bao gồm các nhóm sản phẩm như: máy tính và phụ kiện, máy điện thoại và điện tín, bóng bán dẫn và mạch tích hợp, các thiết bị phát thanh và truyền hình, đồ điện tử tiêu dùng, máy và dụng cụ y tế, máy văn phòng, các thiết bị và máy móc đo lường và thí nghiệm, băng đĩa trắng và đã ghi, các thiết bị dẫn đường và điều khiển từ xa, đồ quang học, máy ảnh và thiết bị ảnh, đồng hồ, các dụng cụ tính toán v.v.
Hoa Kỳ là thị trường xuất nhập khẩu khổng lồ về các sản phẩm điện tử. Năm 2005, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nhóm hàng này của Hoa Kỳ là 460,7 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 155,4 tỷ (tăng 4% so với năm 2004) và nhập khẩu xấp xỉ 305,3 tỷ (tăng 9%).
Thâm hụt thương mại hàng điện tử của Hoa Kỳ năm 2005 xấp xỉ 150 tỷ USD, tăng 14,7% so với năm 2004. Lý do chủ yếu do tăng nhập khẩu máy điện thoại và điện tín (9,9 tỷ USD); máy thu vô tuyến và đầu video (5,2 tỷ USD); và máy tính, và linh kiện và phụ kiện máy tính (4,7 tỷ USD).
Xuất Khẩu
Các mặt hàng điện tử xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất của Hoa Kỳ năm 2005 là: (1) bán dẫn và mạch tích hợp (34,2 tỷ USD); (2) máy tính, và linh kiện và phụ kiện máy tính (28,9 tỷ USD); (3) thiết bị y tế (xấp xỉ 21 tỷ USD); (4) dụng cụ đo lường, thí nghiệm và điều khiển (17,4 tỷ USD); và (5) máy móc điện thoại và điện tín (14,2 tỷ USD).
Mười thị trường xuất khẩu chính của Hoa Kỳ năm 2005 là Canada (18,9 tỷ USD), Mêhicô (16,6 tỷ USD), Nhật Bản (11 tỷ USD), Trung Quốc (8 tỷ USD), Đức (7,9 tỷ USD), Hàn Quốc (7,9 tỷ USD), Anh (7,5 tỷ USD), Malaysia (6,3 tỷ USD), Singapore (6 tỷ USD), và Đài Loan (5,5 tỷ USD). Riêng mười thị trường này chiếm 61,5% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử của Hoa Kỳ
Nhập Khẩu
Hiện nay, Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn nhất hàng điện tử vào Hoa Kỳ. Năm 2005, Trung Quốc xuất khẩu 86,7 tỷ USD hàng điện tử vào Hoa Kỳ, tăng 25,4% so với năm 2004 và 84% so với năm 2003. Năm 2005, hàng điện tử nhập từ Trung Quốc chiếm khoảng 28,5% tổng nhập khẩu hàng điện tử của Hoa Kỳ (so với khoảng 10% năm 2000). Khoảng 2/3 xuất khẩu hàng điện tử của Trung Quốc vào Hoa Kỳ là sản phẩm của các công ty quốc tế có cơ sở sản xuất tại Trung Quốc.
Mêhicô, Nhật Bản, và Malaixia là ba nước xuất khẩu lớn tiếp theo vào Hoa Kỳ. Ba nước này chiếm khoảng 32,5% thị phần nhập khẩu Hoa Kỳ. Năm 2005, kim ngạch của Mêhicô tăng 3,1%, của Nhật bản giảm 1,6%, và của Malaixia tăng 23,7%. Đáng chú ý là hàng điện tử nhập từ Hàn Quốc và Đài Loan trong mấy năm qua liên tục giảm. Năm 2005, Hàn Quốc giảm tới 22% và Đài loan giảm 1,2% chủ yếu do cạnh tranh của Trung Quốc.
Bảng: Các nước xuất khẩu hàng điện tử lớn nhất vào Hoa Kỳ
(Đơn vị: triệu USD)
| 2001 | 2002 | 2003 | 2004 | 2005 |
Tổng cộng | 229.571 | 229.245 | 238.833 | 280.146 | 305.268 |
Trung Quốc | 27.231 | 36.270 | 47.150 | 69.153 | 86.176 |
Mêhicô | 37.221 | 35.029 | 34.560 | 38.945 | 40.160 |
Nhật Bản | 35.676 | 30.745 | 29.177 | 32.020 | 31.510 |
Malaysia | 17.751 | 19.501 | 20.695 | 22.273 | 27.554 |
Canada | 13.868 | 10.605 | 9.768 | 10.960 | 12.457 |
Hàn Quốc | 15.409 | 15.411 | 15.955 | 19.699 | 15.381 |
Đài Loan | 17.391 | 16.594 | 15.654 | 16.418 | 16.221 |
Đức | 7.242 | 7.295 | 7.983 | 9.039 | 9.963 |
Singapore | 11.462 | 10.669 | 10.066 | 10.477 | 9.853 |
Anh | 5.805 | 4.597 | 4.795 | 5.317 | 5.411 |
Các nước khác | 40.451 | 42.530 | 43.030 | 45.846 | 50.043 |
Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu tóm tắt một số nhóm hàng điện tử chính:
Máy tính, linh kiện, và phụ kiện là nhóm có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất của Hoa Kỳ. Năm 2005, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của Hoa Kỳ đã tăng xấp xỉ 4,7 tỷ USD lên 94 tỷ, trong khi đó xuất khẩu của Hoa Kỳ loại hàng này chỉ đạt 28,9 tỷ (thâm hụt 65,1 tỷ). Lý do tăng trưởng nhập khẩu là nhu cầu tiêu dùng máy tính cá nhân, nhất là máy tính xách tay trên thế giới nói chung và ở Hoa Kỳ nói riêng tăng. Xuất khẩu máy tính và phụ kiện của Trung Quốc vào Hoa Kỳ vừa chiếm thị phần lớn nhất vừa có tốc độ tăng trưởng cao nhất. Năm 2005, kim ngạch xuất khẩu máy tính và phụ kiện của Trung Quốc vào Hoa Kỳ tăng 18,6 %, đạt xấp xỉ 40,3 tỷ USD. Tổng nhập khẩu máy tính và linh kiện của Hoa Kỳ năm 2005 chỉ tăng xấp xỉ 4,9 tỷ USD, trong khi đó kim ngạch nhập từ Trung Quốc tăng trên 6,3 tỷ. Thị phần máy tính và phụ kiện của Trung Quốc trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ đã tăng từ 12% năm 2000 lên 43% năm 2005.
Lý do chính dẫn đến tăng trưởng xuất khẩu cao của Trung Quốc là nhiều nhà sản xuất lớn trên thế giới đã chuyển sản xuất vào Trung Quốc để tận dụng giá nhân công rẻ ở nước này. Nhiều nhà sản xuất màn hình Đài Loan và Hàn Quốc đã chọn Trung Quốc là nơi sản xuất chính; nhờ đó, Trung Quốc đã trở thành một trong những nước sản xuất lớn nhất thế giới về màn hình. Năm 2004, Trung Quốc đã sản xuất 44 triệu màn hình LCD, tăng 42% so với năm 2003.
Ngoài Trung Quốc, nhập khẩu từ Malaisia mấy năm qua cũng tăng: năm 2004 tăng 9% (trong đó máy tính xách tay tăng 34%) và năm 2005 tăng 13,3%. Một trong những lý do nhập khẩu từ Malaisia tăng là Dell (một trong những công ty sản xuất máy tính xách tay hàng đầu thế giới) đã xây dựng 2 cơ sở sản xuất ở đây. Trong khi đó, thị phần của các nước xuất khẩu chính khác như Nhật Bản, Singapore, và Đài Loan trong mấy năm vừa qua đã giảm.
Máy điện thoại và điện tín là nhóm hàng điện tử có kim ngạch nhập khẩu lớn thứ 2. Năm 2005, Hoa Kỳ nhập khẩu nhóm hàng này đạt trị giá 49,2 tỷ USD, tăng 9,9 tỷ (25%) và thâm hụt cán cân thương mại tăng lên 35 tỷ (xuất khẩu chỉ đạt 14,2 tỷ). Kim ngạch nhập khẩu của nhóm hàng này tăng trong năm 2005 chủ yếu do tăng nhập khẩu điện thoại di động. Nhập khẩu điện thoại di động tăng là do tăng số người dùng và do nhu cầu đổi mới máy có các chức năng như chụp hình, khả năng chơi trò chơi, và truy nhập thư điện tử.
Nguồn cung cấp chính gần đây cũng có sự chuyển dịch từ các nước công nghiệp phát triển sang các nước có chi phí lao động thấp. Năm 2000, Canada và Nhật Bản cung cấp khoảng 40% nhu cầu nhập khẩu của Hoa Kỳ, trong khi đó Trung Quốc, Hàn Quốc và Malaisia gộp lại chỉ chiếm khoảng 25%. Năm 2005, thị phần của Canada và Nhật bản giảm chỉ còn 10,5% trong khi đó tổng cộng thị phần của Trung Quốc, Hàn Quốc, và Malaisia đã tăng lên đến 58%, trong đó riêng Trung Quốc chiếm khoảng 29,5%. Phần lớn sự tăng trưởng này là do các nhà sản xuất lớn trên thế giới đã di chuyển nhiều cơ sở sản xuất vào các nước này để tận dụng giá nhân công lao động rẻ, nhất là ở Trung Quốc.
Bóng bán dẫn và mạch tích hợp là nhóm hàng đứng thứ 3 về kim ngạch nhập khẩu. Đối với nhóm hàng này, Hoa Kỳ là nước xuất siêu. Năm 2005, Hoa Kỳ xuất 34,2 tỷ USD (giảm 2,7% so với năm 2004) và nhập khẩu 25,4 tỷ (giảm 3,2%), thặng dư giảm 1,2% xuống còn xấp xỉ 8,8 tỷ. Mặc dù, Hoa Kỳ vẫn là thị trường lớn, song tầm quan trọng của nó đang suy giảm tương đối so với các thị truờng khác trên thế giới. Năm 2004, tiêu dùng thế giới đối với bóng bán dẫn tăng 28% trong khi đó nhu cầu ở Hoa Kỳ chỉ tăng 9%. Các nước châu Á là nguồn cung cấp chính cho Hoa Kỳ về bóng bán dẫn và mạch tích hợp. Năm 2004, các nước này cung cấp gần 80% nhu cầu nhập khẩu của Hoa Kỳ.
Máy thu vô tuyến và đầu video là ngành công nghiệp hầu như không còn tồn tại ở Hoa Kỳ. Năm 2004, tổng sản lượng của ngành này chỉ còn xấp xỉ 4,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 0,9 tỷ (chủ yếu là linh kiện công nghệ cao). Năm 2005, Hoa Kỳ nhập tới 22,7 tỷ USD máy thu vô tuyến và màn hình, tăng 5,2 tỷ (xấp xỉ 30%) so với năm 2004.
Mêhicô, Trung Quốc và Nhật bản là ba nước xuất khẩu lớn nhất vào Hoa Kỳ. Năm 2005, ba nước này cung cấp 78% nhu cầu nhập khẩu của Hoa Kỳ, trong đó riêng Mêhicô chiếm khoảng 44% thị phần nhập khẩu của Hoa Kỳ.
Đối với một số nhóm hàng điện tử khác xin xem bảng duới đây:
Tên hàng | SX trong nước | Xuất khẩu | Nhập khẩu | Tổng tiêu dùng[1] |
Máy tính và phụ kiện | 85.000 | 28.862 | 93.950 | 150.087 |
Máy điện thoại điện tín | 52.765 | 14.183 | 49.220 | 87.803 |
Bóng bán dẫn và mạch tích hợp | 86.190 | 34.195 | 25.425 | 72.585 |
Máy móc và dụng cụ y tế | 48.000 | 20.970 | 20.548 | 47.578 |
Điện tử tiêu dùng (không kể vô tuyến và màn hình ) | 4.900 | 2.679 | 25.866 | 28.087 |
Dụng cụ hoa tiêu và thiết bị điều khiển từ xa | 40.000 | 3.217 | 3.241 | 40.023 |
Vô tuyến và màn hình | 3.000 | 857 | 22.712 | 24.854 |
Máy circuit không quá 1000V | 12.240 | 5.327 | 6.818 | 13.731 |
Mạch in | 4.816 | 1.781 | 2.123 | 5.158 |
Phim và giấy ảnh | 16.298 | 2.091 | 1.845 | 16.052 |
Thiết bị phát thanh và truyền hình | 2.900 | 1.544 | 3.830 | 5.186 |
Máy phát âm thanh và tín hiệu hình | 4.248 | 1.092 | 2.409 | 5.565 |
Băng đĩa đã ghi | 6.750 | 3.422 | 1.499 | 4.826 |
Băng đĩa trắng | 2.350 | 1.195 | 4.248 | 5.403 |
Máy và thiết bị ảnh | 2.149 | 1.175 | 1.880 | 2.853 |
Các loại đồng hồ | 630 | 255 | 3.795 | 4.169 |
Máy circuit trên 1000V | 3.800 | 509 | 401 | 3.691 |
Bóng và điện trở | 1.750 | 1.286 | 2.177 | 2.641 |
Máy văn phòng | 2.435 | 751 | 1.793 | 3.476 |
Bóng hình electron không kể CRTs | 700 | 192 | 214 | 722 |
Dụng cụ vẽ và tính toán | 900 | 485 | 335 | 749 |
Sản phẩm nhựa tiêu dùng
Nhựa thành phẩm được đề cập trong phần này bao gồm: ống nhựa, vòi nhựa; tấm nhựa trải nền, tấm nhựa dán tường, trần nhà nhựa; mảnh nhựa, băng nhựa, phim nhựa; các thiết bị và sản phẩm dùng trong phòng tắm và buồng vệ sinh; các sản phẩm dùng để vận chuyển và bao gói hàng hóa; dụng cụ làm bếp, dụng cụ bàn ăn, đồ dùng làm vệ sinh và các sản phẩm gia dụng khác; các sản phẩm nhựa dùng trong xây dựng…Tất cả các số liệu, thông tin và phân tích trong phần này không bao gồm nhựa nguyên liệu, nhựa công nghiệp, và phế thải nhựa.
Nhu cầu thị trường
Nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm nhựa nói trên ở Hoa Kỳ rất lớn. Không kể số lượng sản xuất nội địa, năm 2004, Hoa Kỳ nhập khẩu các sản phẩm này trị giá trên 13 tỷ USD. Dưới đây là số liệu thống kê nhập khẩu nhóm hàng này của Hoa Kỳ trong 3 năm gần đây.
Bảng: Nhập khẩu nhựa thành phẩm của Hoa Kỳ
(Đơn vị: nghìn USD)
Tên nhóm hàng | 2002 | 2003 | 2004 |
Sản phẩm nhưa ở dạng cây, que, sợi có đường kính hơn 1mm | 362.777 | 389.022 | 389.502 |
Ống cứng, ống mềm, vòi, và linh kiện đấu nối | 664.988 | 736.226 | 847.826 |
Nhựa trải sàn, dán tường, trần nhà | 370.243 | 419.998 | 436.551 |
Phim và tấm nhựa có phủ chất kết dính | 468.837 | 503.857 | 577.433 |
Phim và tấm nhựa không phủ chất kết dính, không tráng hoặc kết hợp với vật liệu khác | 1.985.034 | 2.249.765 | 2.623.734 |
Phim và tấm nhựa chưa liệt kê các mã khác | 794.091 | 849.347 | 1.043.460 |
Các thiết bị và sản phẩm nhựa dùng trong buồng tắm và buồng vệ sinh | 138.159 | 154.704 | 163.443 |
Sản phẩm nhựa dùng để vận chuyển, đóng gói, che đậy hàng hoá | 2.719.722 | 3.159.835 | 3.692.480 |
Dụng cụ bàn ăn, dụng cụ làm bếp, và các đồ dùng gia đình và đồ làm vệ sinh khác | 1.653.967 | 1.820.763 | 2.121.538 |
Các sản phẩm nhựa dùng trong xây dựng | 986.699 | 1.137.778 | 1.315.943 |
Tổng cộng | 10.144.517 | 11.421.295 | 13.211.910 |
Qua bảng số liệu trên chúng ta thấy nhu cầu nhập khẩu của Hoa Kỳ năm nào cũng tăng. Năm 2003 tăng 12,6% so với năm 2002 và năm 2004 tăng 15,7% so với năm 2003. Xu hướng tăng nhập khẩu này chắc chắn sẽ tiếp tục do nhu cầu tăng và sản xuất nội địa tiếp tục giảm do giá thành sản xuất ngày càng cao và các vấn đề về môi trường.
Các nước xuất khẩu chính vào Hoa Kỳ
Canada là nước xuất khẩu lớn nhất vào Hoa Kỳ. Năm 2004, Canada xuất vào Hoa Kỳ xấp xỉ 5,6 tỷ USD, chiếm 42% thị phần. Các nước xuất khẩu lớn tiếp theo (theo kim ngạch năm 2004) là Trung Quốc (23,8%), Mêhicô, Đài Loan, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc, Anh.
Riêng đối với nhóm hàng dụng cụ bàn ăn, dụng cụ làm bếp, và các đồ gia dụng và đồ làm vệ sinh khác Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn nhất vào Hoa Kỳ. Năm 2004, kim ngạch xuất khẩu vào Hoa Kỳ của Trung Quốc nhóm hàng này đạt xấp xỉ 1,4 tỷ USD, tăng 21,7% so với năm 2003 và chiếm gần 66% tổng kim ngạch nhập khẩu loại hàng này của Hoa Kỳ.
Bảng: Các nước xuất khẩu chính vào Hoa Kỳ
(Đơn vị: nghìn USD)
| 2002 | 2003 | 2004 | So sánh 04/03 |
Canada | 4.412.239 | 4.839.892 | 5.557.851 | 14,8% |
Trung Quốc | 2.391.312 | 2.612.398 | 3.149.355 | 14,8% |
Mêhicô | 603.755 | 667.152 | 865.899 | 29,8% |
Đài Loan | 648.259 | 684.019 | 751.407 | 9,9% |
Nhật Bản | 540.192 | 583.405 | 668.463 | 14,6% |
Đức | 476.610 | 564.360 | 585.772 | 3,8% |
Hàn Quốc | 189.275 | 391.020 | 491.149 | 25,6% |
Vương Quốc Anh | 262.495 | 252.800 | 291.620 | 15,4% |
Một số loại hàng hóa khác
Ngoài những nhóm hàng hóa đã đề cập ở các phần trên, chúng tôi xin cung cấp số liệu sản xuất nội địa, xuất khẩu, nhập khẩu, và tổng tiêu dùng của Hoa Kỳ đối với một số loại hàng hóa khác mà Việt Nam quan tâm như sau:
Số liệu năm 2004 – đơn vị: triệu USD
Loại hàng | SX trong nước | Xuất khẩu | Nhập khẩu | Tổng tiêu dùng[2] |
Gỗ tròn và sản phẩm gỗ thô | 55.500 | 1.708 | 658 | 54.449 |
Các sản phẩm nghệ thuật | 45.000 | 1.806 | 9.662 | 52.857 |
Gỗ xẻ | 22.500 | 1.930 | 8.808 | 29.079 |
Thiết bị điều hòa và phụ kiện | 24.859 | 5.794 | 8.533 | 27.598 |
Động cơ điện, máy phát điện, và thiết bị liên quan | 21.100 | 4.673 | 7.020 | 23.446 |
Máy móc gia dụng kể cả dùng trong kinh doanh | 16.129 | 5.193 | 12.489 | 23.425 |
Máy và thiết bị nông nghiệp và làm vườn | 21.236 | 6.098 | 6.216 | 21.354 |
Gỗ vơ nia và gỗ tấm | 13.800 | 1.037 | 7.115 | 19.878 |
Dụng cụ thể thao | 12.000 | 1.670 | 4.581 | 14.911 |
Dụng cụ cầm tay không dùng điện | 12.286 | 2.361 | 4.136 | 14.062 |
Đồ trang sức quý và các sản phẩm liên quan | 6.136 | 2.270 | 7.492 | 11.358 |
Ghế ô tô và máy bay | 7.200 | 1.395 | 4.841 | 10.646 |
Các loại đèn thắp sáng và linh kiện | 6.000 | 677 | 5.319 | 10.641 |
Đồ chơi | 2.010 | 412 | 8.848 | 10.445 |
Xi măng | 8.000 | 63 | 1.139 | 9.076 |
Một số đồ kim loại dùng trong xây dựng | 5.822 | 982 | 3.063 | 7.902 |
Bu lông, ốc, vít … kim loại dùng trong công nghiệp | 6.500 | 1.672 | 2.977 | 7.805 |
Bơm chất lỏng | 6.594 | 2.725 | 2.673 | 6.543 |
Xe máy và phụ túng | 6.500 | 917 | 3.809 | 6.391 |
Thùng gỗ | 5.200 | 145 | 635 | 5.690 |
Trò chơi | 1.520 | 1.089 | 5.199 | 5.631 |
Chai, lọ, hũ … thuỷ tinh | 4.400 | 185 | 659 | 4.874 |
Dụng cụ cầm tay dùng điện | 1.800 | 180 | 2.122 | 3.742 |
Đồ đựng hành lý | 881 | 195 | 3.044 | 3.730 |
Thiết bị vệ sinh bằng sứ và kim loại | 2.700 | 159 | 1.062 | 3.603 |
Đồ dùng để nấu nướng và làm bếp | 1.500 | 198 | 2.170 | 3.472 |
Dụng cụ để viết và các sản phẩm liên quan | 2.450 | 228 | 1.215 | 3.436 |
Bơm dùng cho xe động cơ | 3.000 | 771 | 1.173 | 3.402 |
Kính phẳng | 2.800 | 1.882 | 1.959 | 2.877 |
Chổi, bàn chải các loại | 2.065 | 239 | 945 | 2.772 |
Dao, kéo, kim may, và các sản phẩm liên quan | 1.900 | 553 | 1.133 | 2.480 |
Gạch men lát nền và ốp tường | 810 | 27 | 1.631 | 2.414 |
Đồ gia dụng thuỷ tinh | 1.450 | 183 | 947 | 2.214 |
Túi xách tay | 235 | 87 | 1.926 | 2.074 |
Đồ gốm gia dụng | 325 | 107 | 1.683 | 1.902 |
Đỗ trang sức giả và các sản phẩm liên quan | 952 | 109 | 947 | 1.790 |
Xe đạp và một số loại linh kiện xe đạp | 615 | 266 | 1.260 | 1.609 |
Búp bê | 140 | 22 | 1.005 | 1.123 |
Các sản phẩm bằng da, sợi, nhựa ở dạng tấm | 396 | 26 | 532 | 902 |
Một số loại hàng da khác | 585 | 124 | 384 | 845 |
Các lọai lược chải tóc, không dùng điện | 600 | 19 | 166 | 747 |
Tấm kê trên bàn ăn và sản phẩm liên quan | 212 | 24 | 518 | 706 |
Ô, dù, roi điều khiển súc vật, và gậy | 70 | 8 | 341 | 403 |
Đồ dùng hút thuốc (bật lửa, tẩu, các loại linh kiện) | 250 | 99 | 191 | 343 |
Đồ bạc và các mặt hàng kim loại quý liên quan | 423 | 180 | 81 | 324 |
Phụ liệu quần áo (khoá, chốt, móc, khuy bấm v.v.) | 350 | 158 | 81 | 273 |
Dụng cụ và tay năm dụng cụ bằng gỗ | 103 | 51 | 151 | 202 |
Dụng cụ âm nhạc và phụ kiện |
| 456 | 1.503 |
|
Lốp, xăm thủy lực (mới) | 14.500 | 2.550 | 6.163 | 18.113 |
Các loại lốp khác | 1.100 | 108 | 158 | 1.150 |
Cao su tự nhiên | 0.0 | 37 | 1.466 | 1.429 |
Chất tẩy rửa | 22.500 | 2.929 | 1.568 | 21.139 |
[1] Tổng tiêu dùng bằng tổng giá trị sản lượng sản xuất trong nước trừ trị giá xuất khẩu và cộng trị giá nhập khẩu.