Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chọn quà hàng hiệu
28 | 09 | 2007
Việc phân phối độc quyền một thương hiệu nổi tiếng tại thị trường Việt Nam là chuyện hoàn toàn không đơn giản đối với bất cứ nhà nhập khẩu nào. Ngoài số tiền mua bản quyền (Licence) có thể lên tới hàng trăm ngàn hay cả triệu đô, họ còn phải bỏ ra một ngân sách khá lớn để trang trải cho các chi phí như mặt bằng, nhân viên, marketing, PR, thuế... Và nghiễm nhiên, hàng hiệu nhập khẩu thực sự là một món hàng có giá trị.

Ngày nay, khi một sản phẩm hiệu xuất hiện tại trị trường Việt Nam, thông tin về sản phẩm đó sẽ được đăng tải hàng loạt trên các báo chí, truyền hình, website, tạp chí. Mọi người đều có thông tin và đều biết giá trị của sản phẩm đó. Thậm chí, có thương hiệu làm marketing và PR tốt còn có thể tạo ra trào lưu hay cơn sốt cho thương hiệu của mình.

Mango là một ví dụ. Vừa vào thị trường Việt Nam, Mango liền tung ra thông điệp "Phụ nữ sành điệu phải mặc đồ Mango". Các chị em tranh nhau đi mua Mango và ra đường nhìn đâu cũng thấy Mango.

Tặng hàng hiệu, thể hiện sự tôn trọng!

Khi thông tin đã tràn ngập thì xu hướng "quý nhau tặng hàng hiệu" được xem là văn minh và lịch sự hơn rất nhiều so với "phong bì". Người nhận cũng cảm thấy thoải mái hơn vì mình được tôn trọng. Các quan chức tự bào chữa: "nhận tiền mới là hối lộ, còn "vật" thì không". Cho nên ngày càng nhiều thượng đế mua hàng hiệu tặng cho nhau. Doanh nhân mua đồng hồ, bút, túi xách, cà vạt, nước hoa, thắt lưng...

Tóm lại, họ thường tặng cho nhau những sản phẩm dễ dùng, không cần phải thử, và phù hợp với mọi đối tượng. Việc chọn kiểu dáng cho phù hợp với phong cách người nhận là chuyện đương nhiên. Vấn đề cần bàn là giá trị thương hiệu, giá trị sản phẩm lại quyết định mức quan hệ, mức độ nhờ vả, mức độ quan trọng của sự việc. Dân sành điệu 2006 kháo nhau về một bác ở Lào Cai bay vào TP. HCM mua 2 chiếc điện thoại Vertu trị giá hơn 600 triệu về làm quà biếu.

Khác với giới quan chức, giới doanh nhân, những người làm việc cho các tập đoàn hay công ty nước ngoài lại khác. Họ không màng đến giấc mơ chính trị, không ham chuyện mua quan bán tước. Họ làm chủ chính bản thân mình và chính doanh nghiệp họ tạo ra. Họ thuộc thế hệ cấp tiến, có hiểu biết. Họ chính là đối tượng khách hàng tiềm năng của hàng hiệu. Họ tặng hàng hiệu bởi họ thực sự quý và tôn trọng người nhận quà. Họ thực sự muốn dùng món quà của mình thay lời cảm ơn cho sự giúp đỡ nào đó mà họ đã từng nhận được. Ở đây, giá trị thương hiệu lại được dùng để bày tỏ sự kính trọng và ngưỡng mộ giữa người và người.

hieu3.jpg

Nếu sang thì tặng nhau đồng hồ Omega, Longines, Rado, Tag Heuer... hoặc cây bút Montblanc, Cartier, Omas... cặp Louis Vuitton, Bally, Salvatore Ferragamo, Porsche Design, Dunhill... hay điện thoại Mobiado. Thứ đến có thể chọn những thương hiệu như đồng hồ Tommy Hilfiger, Swatch, Movado, CK... hoặc bút Caran d'Ache,... cặp Elle, Samsonite, Guy Laroche, Renoma... cà vạt Dunhill, túi Aigner, áo Arrow... Thân nhau hơn, tặng quần áo, kính, giày dép và tất nhiên phải đưa người được nhận quà tới tận shop để thử. Tùy theo mức độ quan hệ, tùy theo mức độ giúp đỡ lẫn nhau mà giá trị món quà cũng khác nhau.

hieu2.jpg

Đừng tặng hàng hiệu khi chưa hiểu người nhận!

Tặng hàng hiệu hoàn toàn không đơn giản. Món quà đó nói lên việc bạn hiểu người nhận ở mức nào và mức độ tôn trọng ra sao. Hoàn toàn sai lầm nếu áp đặt sở thích cá nhân cho người nhận. Bạn nên xác định rõ mình thuộc tuýp người nào và người nhận ở đẳng cấp nào trước khi mua quà. Tặng nhau là quý, nhưng tặng mà người nhận không dùng hoặc hiểu lầm ý đồ thì đúng là tiền mất, tật vẫn mang mà chẳng giải quyết vấn đề gì.

Chuyện không tìm hiểu dẫn đến đánh giá sai phong cách người nhận cũng thường xảy ra. Tôi có ông anh hay dùng nước hoa. Anh chọn CK, Hugo Boss, Bulgari. Anh cảm thấy không vui khi được đối tác tặng cho chai Armand Basi. Và chắc chắn, chẳng bao giờ dùng đến. Cũng như trường hợp của chị tôi, chuyên dùng nước hoa Channel No 5 hay Dior thì lại được tặng một chai Mango. Chị nói không nhận thì ngại người ta bảo mình không tôn trọng, nên đành nhận nhưng mang cho ngay người khác.

Bản thân người viết cũng dở khóc dở cười khi mua một chiếc cà vạt Khaisilk trị giá 50 đô để tặng một ông chú. Tôi nghĩ thương hiệu Khaisilk thì ai cũng biết và chú mình chắc cũng biết. Không ngờ, ông chẳng biết Khaisilk là thương hiệu nào, hôm sau ông đã mang cho luôn ông bạn hàng xóm.



Theo tintuconline.vietnamnet.vn
Báo cáo phân tích thị trường