Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hỗ trợ nông dân vùng nguyên liệu mía để cùng phát triển bền vững
16 | 06 | 2011
AGROINFO - Ông Phạm Ngọc Liễn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đường Bình Định (BISUCO) cho biết: để đảm bảo nguyên liệu cho nhà máy hoạt động với công suất 3.500 tấn mía/ngày, năm 2011 Công ty đầu tư 100 tỷ đồng để nâng cao năng suất và mở rộng vùng nguyên liệu mía theo hướng phát triển bền vững.
Theo đó, tổng diện tích vùng nguyên liệu của Nhà máy sẽ lên 6.000 ha, trong đó tại tỉnh Bình Định ổn định 3.000 ha. Để đạt mục tiêu này, công ty tiếp tục thực hiện một số chính sách khuyến khích nông dân vùng nguyên liệu từ hỗ trợ khâu làm đất bằng máy cày và thu tiền công thấp hơn so với giá thị trường ở từng thời điểm; hỗ trợ bình quân 20 tấn phân bã bùn/ha cho nông dân cải tạo đất; cho nông dân thiếu giống được mượn giống mía để trồng cho kịp thời vụ và tăng thu giá bảo hiểm thu mua mía nguyên liệu từ 550 nghìn đồng/tấn lên 700 nghìn đồng/tấn vào vụ ép 2011-2012.
Vụ ép mía năm 2010-2011, BISICO đã thu mua gần 500 nghìn tấn mía nguyên liệu, vượt 100 ngàn tấn so với kế hoạch và đã sản xuất, tiêu thụ 47.000 tấn đường, tăng 7.000 tấn so với kế hoạch và tăng 17.000 tấn so với cùng kỳ niên vụ trước, đạt tổng doanh thu 1.000 tỷ đồng, nộp ngân sách 33,6 tỷ đồng. Tổng thu nhập của người trồng mía trên địa bàn tỉnh Bình Định đạt gần 120 tỷ đồng.
Tại Long An, mía là cây mũi nhọn kinh tế thứ 2 sau cây lúa. Tuy nhiên, từ năm 2004-2005 trở lại đây, cây mía mất chỗ đứng và có nguy cơ tiếp tục giảm. Bà Nguyễn Thị Ruộng, ở ấp 5, xã Thạnh Lợi (huyện Bếu Lức) cho biết: Gia đình có 2,5 ha trồng mía gần 20 năm nay, nhưng từ vụ mía năm 2004-2005 bị thua lỗ, do giá giảm, cách tính chữ đường tùy thuộc vào nhà máy, nên nông dân bị động hoàn toàn. Vì vậy, gia đình bà đã chuyển sang trồng chanh. Anh Lê Văn Ba, ở xã Lương Bình (Bến Lức) chia sẻ: Dọc theo tỉnh lộ 830 từ huyện Bến Lức đến huyện Đức Hòa khi quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp, người dân sống dọc theo tỉnh lộ san lấp mặt bằng đất trồng mía rồi bán cho các doanh nghiệp mở nhà máy.
Còn anh Mai Hoàng Dũng ở xã Tân Thành (huyện Thủ Thừa) bức xúc: Từ trước tới nay, giữa người dân với nhà máy đường chưa có sự kết nối chặt chẽ. Nông dân chưa thật sự an tâm và tin tưởng với cách tính chữ đường của các nhà máy. Việc hợp đồng thu mua sản phẩm của nhà máy và người trồng mía chưa thống nhất, giá thu mua ở mỗi nơi khác nhau. Nhiều hộ trồng mía không được ký hợp đồng với nhà máy, khi thấy giá bên ngoài bán có lời là đi tìm thương lái để bán, thậm chí bán mía non. Diện tích cây mía ở Long An đang giảm dần, từ 18.600 ha năm 2000- 2004 giảm xuống còn hơn 11.000 ha hiện nay.
 Nguyên nhân một phần là do phương thức đầu tư, cách tính chữ đường của nhà máy để định giá thu mua chưa hợp lý, chưa khuyến khích nông dân trồng mía. Bên cạnh đó, chủ trương của tỉnh lại cho quy hoạch phát triển khu, cụm công nghiệp trên vùng đất trồng mía đã có từ 30-40 năm nay, cho khai thác gần 100 hầm đất để san lấp mặt bằng, mất đi hơn 3.000 ha cho các khu, cụm công nghiệp, hầm đất.../.
TH


Báo cáo phân tích thị trường