80% đất nông nghiệp Trung Quốc bị chia nhỏ thành những mảnh có diện tích dưới 3,3ha và phần lớn trong số này có diện tích nhỏ hơn rất nhiều. Đất nông nghiệp Trung Quốc chủ yếu dùng để trồng các loại ngũ cốc như lúa gạo và lúa mỳ. Chính phủ Trung Quốc trợ cấp đầu vào rất lớn cho nông dân để tăng năng suất và duy trì các kho dự trữ ngũ cốc công luôn đầy ắp.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ tầng lớp trung lưu đối với đa dạng nguồn cung thực phẩm như thịt, rau và quả, Trung Quốc cần những trang trại lớn hơn, hiệu quả hơn và an toàn hơn. Nhưng vấn đề này đặt ra tình thế tiến thoái lưỡng nan cho chính phủ: nếu chính phủ cho phép tập trung hóa đất đai, hàng triệu lao động nông thôn có thể mất việc.
Gần một nửa dân số Trung Quốc vẫn sống tại nông thôn, theo ông Hu Bingchuan, nhà nghiên cứu tại Viện Phát triển Nông thôn thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc tại Bắc Kinh. “Nếu họ không thể tìm được việc làm tại các thành phố, tình hình bất ổn xã hội có thể xảy ra. Mô hình sản xuất hiện đại và mô hình sản xuất truyền thống quy mô nhỏ có thể cùng tồn tại”.
Trung Quốc đang từng bước tăng quy mô sản xuất nông nghiệp trung bình. Nông dân không được sở hữu đất đai tại Trung Quốc nhưng được thể chế địa phương phân bổ từng mảnh đất cho để canh tác, thường với thời hạn thuê nhiều thập kỷ. Tháng 12/2016, chính phủ Trung Quốc đã cho phép các hợp tác xã gom các quyền sử dụng đất và cho các công ty thuê các diện tích đất canh tác lớn, thanh toán tiền thuê hàng năm.
Động thái này không nhằm tạo ra những trang trại siêu lớn như tại Mỹ, Canada hay Úc mà chỉ là hợp nhất nhiều mảnh nhỏ và nông dân có đủ đất để đạt hiệu quả sử dụng máy móc và công nghệ mới. Chính phủ Trung Quốc định nghĩa “quy mô tối ưu” cho sản xuất nông nghiệp hộ gia đình là khoảng 7 – 13ha.
Thực trạng này đặt ra thách thức cho thế hệ doanh nhân nông dân mới, những người đang thuê hoặc tìm kiếm các không gian nhỏ trong các thành phố để tận dụng nhu cầu ngày càng tăng với các nông sản an toàn và đa dạng. “Nhiều người đang ngày càng trở nên giàu có và họ muốn có nông sản an toàn”, ông Li Xiaojun, 42 tuổi, đang nghiên cứu công nghệ thông tin tại đại học Chiết Giang nhưng quyết định bắt đầu nuôi gà do lo ngại về chất lượng thịt mua tại cửa hàng. Ông Li đã thuê khoảng 7ha đất cách đây 10 năm để nuôi gà cho tiêu dùng gia đình và cho bạn bè. Nhưng gà của ông được ưa chuộng đến nỗi ông phải liên tục mở rộng sản xuất và hiện đã nắm 666ha gà nuôi thả, bán trực tiếp cho các gia đình cách xa trang trại của ông tới 100km tại Hàng Châu. Gà của ông có giá bán gấp 4 lần gà bán trong siêu thị.
An toàn thực phẩm là động lực cho hầu hết các doanh nhân khởi nghiệp nông nghiệp tại Trung Quốc. Khảo sát về nguồn gây ô nhiễm đầu tiên trên toàn quốc năm 2010 cho thấy chính nông nghiệp, chứ không phải công nghiệp, là nguyên nhân chính gây ô nhiễm nước bề mặt, theo báo cáo của WB.
|
Người tiêu dùng Trung Quốc lo lắng bởi một thập kỷ đầy rẫy các vụ bê bối thực phẩm, khiến nhiều người Trung Quốc giàu có hơn tìm đến các thương hiệu hàng nhập khẩu hoặc các trang trại nông nghiệp hữu cơ hoặc quy mô nhỏ tại địa phương. Họ cũng muốn có thêm rau quả tươi và thực phẩm mới lạ để tận hưởng trong suốt cả năm. Đây chính là cơ hội mà ông Chen Jianming, 49 tuổi, cựu công nhân nhà máy ô tô, đang nắm lấy. Ông Chen cùng vợ đã thuê 0,5ha để trồng dâu tây trong nhà kính. Cặp đôi sử dụng phân bón và giống nhập khẩu để trồng trong tháng 8 và thu hoạch dâu tây vào mùa đông. “Chúng tôi không phun thuốc BVTV và người tiêu dùng rất thích sản phẩm của chúng tôi”, ông Chen cho biết dâu tây của ông có giá 10 USD/kg trong dịp tết nguyên đán và ông còn cho phép khách hàng tự thu hoạch dâu tây họ mua.
Những nỗ lực đơn lẻ như vậy đang giúp giải quyết mất cân bằng thực phẩm tại Trung Quốc và có thể giúp chậm lại tốc độ tăng nhập khẩu. Nhưng đối với phần lớn hoạt động trồng trọt và chăn nuôi tại Trung Quốc vẫn cần những trang trại quy mô lớn hơn nhiều, có thể mang lại kết quả tốt nhất.
Điều này không dễ dàng. Ngay cả khi không lo ngại về thất nghiệp nông thôn, đất canh tác của Trung Quốc có sự khác biệt rất lớn theo vùng miền, từ những mảnh ruộng bậc thang trồng lúa nhỏ tại các khu vực núi miền nam và miền tây, tới vành đai ngũ cốc lớn tại đông bắc. Nước tại phần lớn khu vực phía bắc rất khan hiếm và thường xuyên bị ô nhiễm do khai thác than. Phần lớn những vùng đồng bằng phì nhiêu ven biển thì đang bận rộn với đô thị hóa.
Để giải quyết vấn đề, chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực dịch chuyển nước từ nam lên bắc thông qua hàng loạt mạng lưới dày đặc các con đập và kênh đào. Đồng thời, chính phủ nước này nỗ lực giảm tình trạng mất đất nông nghiệp do đô thị hóa và hỗ trợ tài chính cho các trang trại quy mô lớn, hiện đại có thể thử nghiệm các kỹ thuật mới và các hệ thống trồng trọt – chăn nuôi cải tiến.
Một trong những trang trại như vậy nằm tại Yantai, thuộc tỉnh Sơn Đông, vùng đất nổi tiếng với những vườn nho. Được vận hành bởi Penglai Hesheng Agricultural Technology Development Co., trang trại này thực sự rất lớn theo tiêu chuẩn Trung Quốc khi thuê đến 70.000ha và 400 nhân công. Dự án bao gồm một nhà máy chế biến thực phẩm, một khu vực trồng trọt và một vườn nho đủ nguyên liệu sản xuất 80.000 chai/năm.
Hesheng trồng táo, dâu tây, cherry, dưa chuột và cà chua, sử dụng hệ thống thủy lợi tự động và sử dụng các giống lợn, dê bản địa, nuôi không sử dụng kháng sinh hoặc hormones. Trang trại này cũng có một trại giống, một khu vực nuôi nai và 10 hồ chứa đầy cá. Dự án này là một trong 3 dự án hữu cơ lớn do Ngân hàng phát triển nông nghiệp Trung Quốc cấp vốn, với khoản vay 500.000 USD, theo tổng giám đốc Hesheng Ma Xiuqing cho hay. Mảng sản xuất tăng trưởng nhanh nhất của Hesheng lại là sản xuất phân bón hữu cơ.
Công ty hy vọng thu hút được thêm nhiều doanh nghiệp tư nhân dến trang trại. Hơn 1/3 hộ gia đình nông thôn hiện đã chuyển đất đai của họ cho thuê theo cơ chế mới, theo thông tin từ thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trung Quốc Qu Dongyu cho hay.
Tại các khu vực trung và tây Trung Quốc, hoạt động chuyển giao cho thuê đất nông nghiệp này là hệ quả trực tiếp của thay đổi nhân khẩu học và tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Ba thập kỷ di cư vào cac thành phố để tìm việc đã khiến nhiều khu vực đất nông nghiệp bị bỏ hoang hoặc do những nông dân đã quá già sản xuất. Con cái họ cũng không sẵn sàng quay về và tiếp quản hoạt động sản xuất.
Một nghiên cứu năm 2015 tại tỉnh Giang Tô cho thấy tuổi trung bình của lực lượng lao động nông nghiệp chính là gần 57. Nếu doanh nghiệp không tiến đến tiếp quản hoạt động sản xuất, Trung Quốc có thể còn có nhiều khu vực đất nông nghiệp bỏ hoang hơn nữa. “Nhiều nông dân đã bỏ làng quê đi làm việc tại thành phố, bỏ lại sau lưng người già và trẻ nhỏ – những người không thể làm nông nghiệp”, theo ông Hu tại Viện Phát triển Nông nghiệp. “Một số làng quê Trung Quốc giờ qua hiu hắt”.
Theo Bloomberg (gappingworld.com)