Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp (DN) ứng vốn, phá băng thị trường bất động sản
15 | 09 | 2008
Trước cơn bão giá đang hành hoành, nhiều doanh nghiệp lớn phải ứng vốn, chia sẻ khó khăn cùng đối tác để đảm bảo tiến độ thi công và chất lượng công trình. Vật liệu xây dựng cùng các chi phí khác như nhân công, vận tải... thi nhau đội giá khiến hầu hết các chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng gặp không ít khó khăn.

Giá tăng cao kéo theo sự chậm trễ, thậm chí đình hoãn trong thi công các dự án bất động sản lớn. Những dự án triển khai trong hai năm gần đây đều bị ảnh hưởng của vòng xoáy tăng giá.

Bất chấp ảnh hưởng của việc giá cả nguyên vật liệu xây dựng tăng cao, ông Tô Như Toàn - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Kinh doanh nhà Quảng Ninh, chủ đầu tư Khu đô thị mới Văn Phú, TP Hà Đông (Hà Nội), cho biết, sau khi hoàn thiện hạ tầng sớm hơn 2 tháng so với kế hoạch và, đại diện Công ty vẫn quyết định đặt bút ký hợp đồng với 11 nhà thầu thi công các gói thầu xây thô khu nhà ở thấp tầng thuộc khu đô thị mới Văn Phú.

Các nhà thầu này sẽ thực hiện một phần gói thầu thi công khối nhà thấp tầng (với tổng số 2.500 căn nhà) với thời gian thi công kéo dài từ 8 đến 10 tháng.

Nhằm “gỡ rối” và xóa bỏ mọi e dè của các nhà thầu khi thực hiện hợp đồng vào thời kỳ giá cả còn nhiều biến động, Công ty cổ phần kinh doanh Nhà Quảng Ninh đã đưa ra thỏa thuận "mở" về thanh toán nhằm chia sẻ khó khăn cho các nhà thầu.

Theo đó, nếu như trước đây, các hợp đồng được ký cứng về thời điểm, đơn giá và tổng kinh phí thanh toán khiến nhiều nhà thầu thua lỗ khi giá cả tăng thì nay các nhà thầu hoàn toàn có thể yên tâm khi chủ đầu tư đưa ra cơ chế thanh toán từng đợt, theo thực tế giá cả tại thời điểm hoàn thành.

Điều này có nghĩa, thay vì chỉ thanh toán 1 - 2 lần với mức giá cứng từ đầu cho suốt quá trình xây dựng, các nhà thầu có thể thanh toán thành nhiều đợt theo giá cả thị trường mà nhà thầu thực tế thi công.

“Công ty đã chủ động chuẩn bị đủ vốn để ứng trước cho các nhà thầu thi công, không phụ thuộc vào tiến độ đóng tiền mua nhà của khách hàng. Điểm nữa là chủ đầu tư sẽ ứng vốn và điều chỉnh giá thi công theo sát giá thị trường, chứ không áp đặt mức giá thi công cố định như nhiều đơn vị đang áp dụng. Nếu giá vật liệu thị trường tăng cao thì chủ đầu tư sẽ thanh toán cho nhà thầu theo giá tăng không để nhà thầu bị lỗ và ngược lại”- Ông Toàn cho biết.

Tương tự đó, nhằm đối phó với biến động giá cả, chủ đầu tư Khu chung cư cao cấp Việt Kiều châu Âu, Mỗ Lao, TP Hà Đông (Hà Nội) áp dụng phương án chuẩn bị sẵn trước các vật liệu cơ bản có nguy cơ biến động giá lớn, trước khi tiến hành thi công.

Trong đó, chủ đầu tư đã ký hợp đồng mua một lượng thép lớn đủ để thực hiện hoàn chỉnh dự án đề phòng sự biến động giá cả vào dịp cuối năm.

Thế nhưng, không phải lúc nào chủ đầu tư và nhà thầu cũng bắt tay, chia sẻ lợi nhuận với đối tác. Ông Nguyễn Văn Minh - Giám đốc một công ty xây dựng có trụ sở ở Hoàng Mai, Hà Nội kể lại, ông đã phải dở khóc dở cười khi hoàn tất hợp đồng xây một biệt thự ở Hà Đông, được triển khai vào cuối năm 2007.

Dù đã dự phòng giá cả tăng 10% và đã được ứng sẵn một khoản lớn tiền mua vật liệu nhưng khi biệt thự hoàn thành, chi phí xây dựng đã đội lên quá nhiều so với dự tính. Số tiền thu được sau khi trừ chi phí, trả công thợ còn vỏn vẹn tròn đúng 4 triệu đồng. Đây cũng chính là số tiền mà chủ nhà bồi dưỡng cho ông sau gần 8 tháng trời ròng rã thực hiện công trình.

Tuy nhiên, theo ông Minh, đây vẫn là trường hợp may mắn vì chưa thua lỗ, nhiều đồng nghiệp của ông đã phải bỏ cả công trình.

Qua cơn bão giá, nhiều doanh nghiệp đã bị thiệt hại. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh khó khăn chung, nhiều doanh nghiệp phải chung tay với đối tác và khách hàng để thực hiện đúng tiến độ công trình, nhằm thu hồi vốn sớm, giữ uy tín trong làm ăn.

 



Nguồn: Tiền Phong
Báo cáo phân tích thị trường