Quan hệ XNK giữa 2 nước chính thức bắt đầu từ năm 1995, song đến năm 1996 Việt Nam mới chính thức XK sang Philippin, với mức kim ngạch chỉ có 168 triệu USD. Trong vòng 10 năm (1996- 2006), Việt Nam vẫn là nước xuất siêu sang thị trường Philippin. Từ năm 1996 khi 2 nước chính thức thiết lập quan hệ thương mại. Hàng hoá XNK ban đầu đơn giản chỉ là Philippin XK phân bón sang Việt Nam, ngược lại Việt Nam xuất khẩu gạo sang Philippin, nhưng chỉ sau 10 năm kim ngạch XK của Việt Nam sang Philippin đã từ 168 triệu USD (năm 1996) lên tới 778 triệu USD (năm 2005) tăng 460%. Hiện nay kim ngạch XK của Việt Nam chiếm khoảng 1,8% kim ngạch NK của Philippin.
Mặc dù Philippin là thị trường đã có thói quen tiêu dùng hàng hoá nhập khẩu theo tiêu chuẩn của các nước phát triển. Song số đông người nghèo vẫn cần những loại hàng hoá chất lượng trung bình, giá cả hợp túi tiền. Tận dụng cơ hội này hàng hoá Vietnam xk sang Philippin ngày càng nhiều về số lượng cũng như chủng loại. Năm 1996 chỉ có 62 loại hàng được XK sang Philippin, năm 2004 đã có 130 loại hàng hoá khác nhau được xk sang thị trường này. Để giúp các doanh nghiệp biết cụ thể các hàng hoá có thể XK sang thị trường Philippin xin được trình bày theo nhóm hàng chính:
Nhóm hàng tiêu dùng. Những mặt hàng chính của nhóm hàng này doanh số XK đạt trên 1 triệu USD/năm bao gồm: quần áo trẻ em và phụ nữ, giày thể thao các loại, các sản phẩm về giấy, mỹ phẩm, xà phòng và nước tẩy rửa. Doanh số nhóm hàng này những năm gần đây XK sang Philippin thông thường chỉ đạt trên 10 triệu USD, năm 2005 đạt 15,5 triệu USD. Song có một ý nghĩa rất lớn về mặt thị trường, làm cho người tiêu dùng Philippin có thói quen dùng hàng Việt Nam. Mặt khác cũng là để đánh giá chính xác giá trị thương mại, khả năng cạnh tranh hàng hoá Việt Nam trên thị trường quốc tế vì hai nước có trình độ công nghệ tương đương.
Những mặt hàng trên trước đây và hiện nay Philippin hoàn toàn có thể sản xuất được trong nước. Tuy nhiên các doanh nghiệp Việt Nam phải thích ứng nhanh hơn nữa vì mặt hàng tiêu dùng phải chịu cạnh tranh nhiều chiều của hàng hoá các nước nội khối Asean đặc biệt là hàng Trung Quốc.
Hàng Trung Quốc thay đổi mẫu mã rất nhanh có nhiều loại giá và chất lượng khác nhau với cùng một loại hàng, hơn nữa lợi thế của hàng Trung Quốc được buôn bán thông qua hệ thống của những thương gia Hoa kiều, nên thường được ưu tiên về giá và các điều kiện thanh toán thuận lợi ( thanh toán TTR, hoặc trả chậm…).
Nhóm hàng thực phẩm. Đây là nhóm hàng chính xuất khẩu sang Philippin hàng năm kim ngạch chiếm 50-60% trong tổng kim ngạch XK của Việt Nam sang Philippin. Năm 2005 Việt Nam XK sang Philippin 1,6 triệu tấn gạo đạt hơn 400 triệu USD trong tổng số 1,8 triệu tấn gạo Philippin NK.
Hiện nay chính phủ Philippin vẫn coi gạo là mặt hàng hạn chế NK để bảo vệ sản xuất nông nghiệp trong nước. Mức thuế NK cao (50%), chính sách NK gạo chính phủ ban hành từng năm căn cứ vào nhu cầu trong nước. Cục Lương Thực Quốc gia ( National Food Authority) có nhiệm vụ tổ chức thực hiện bằng việc tổ chức đấu thầu quốc tế, cấp giấy phép và theo dõi quá trình thực hiện hợp đồng của các nhà nhập khẩu.
Các nhà cung cấp của Việt Nam thông thường phải tham gia 3-5 lần đấu thầu/năm. Một số hàng hoá thực phẩm khác các doanh nghiệpViệt Nam có thể đẩy mạnh XK sang Philippin năm 2005 hàng thực phẩm chế biến, tươi sống kim ngạch đạt 33 triệu usd trong đó: Coffee bean đạt 21,8 triệu USD; thực phẩm chế biến (mỳ ăn liền, gia vị, bánh kẹo, mật ong, rau quả hộp, …) đạt 8,5 triệu USD; hải sản cũng đã bắt đầu XK được thông thường Philippin NK cá tuna, tôm đông lạnh, năm 2005 kim ngạch đạt 500.000 usd. Trong tương lai hàng thực phẩm của Việt Nam sẽ xuất khẩu ngày một nhiều vào Philippin.
Nhóm hàng nguyên liệu. Hàng hoá XK của nhóm này bao gồm các mặt hàng gỗ, nguyên liệu thuốc lá, cao su, da, sợi, phôi thép, than … Chỉ có cao su và sợi là 2 mặt hàng có thể XK nhiều vào Philippin. Vì những mặt hàng khác trong nhóm này Việt Nam cũng phải NK. Năm 2005 kim ngạch XK của Việt Nam nhóm hàng này đạt 20 triệu USD, chủ yếu là sợi 10 triệu USD, còn lại các mặt hàng khác.
Nhóm các sản phẩm công nghiêp. Nhóm hàng có kim ngạch đứng thứ 2 sau hàng thực phẩm kim ngạch năm 2005 đạt 252 triệu USD. Đây là nhóm hàng có kim ngạch tăng trưởng ổn định trung bình 15-20% năm, chủ yếu là các sản phẩm điện tử bán dẫn. Nhưng Việt Nam cũng đã XK được cả các sản phẩm công nghiệp (Packaging products) sản xuất từ thủy tinh, nhựa, thép. Năm 2005 kim ngạch các sản phẩm này đạt 21 triệu USD, ngoài ra kim ngạch XK phụ tùng ôtô của các nhà máy liên doanh tại Việt Nam cũng XK vào Philippin ngày càng tăng, kim ngạch năm 2005 đạt 33 triệu USD..
Nhận định:
Đối với thị trường Philippin, gạo XK là mặt hàng kim ngạch lớn nhất (50% tổng kim ngạch XK của Việt Nam sang thị trường này), chiếm 1/3 tổng số lượng gạo Việt Nam xuất khẩu. Hơn nữa gạo Philippin NK là loại gạo chất lượng thấp (25% tấm). Đây là loại gạo Việt Nam có số lượng lớn, giá có khả năng cạnh tranh được với gạo Thái lan.
Đứng thứ 2 là mặt hàng điện tử (bán dẫn), chiếm khoảng 25-30% kim ngạch XK của Việt Nam song mặt hàng này phụ thuộc vào khả năng XK của Philippin vì hàng năm Philippin XK hàng điện tử khoảng 30-32 tỉ usd, nếu Philippin gặp khó khăn về thị trường thì Việt Nam khó có thể tăng được XK. Còn lại các mặt hàng khác như phân tích ở trên, trong 5 năm gần đây cũng tăng cả về trị giá cũng như chủng loại mặt hàng, các sản phẩm XK của Việt Nam ngày càng đa dạng hơn. Song Thương vụ dự đoán tốc độ tăng không thể liên tục duy trì cao như những năm qua, tuy thị trường Philippin tương đối lớn nhưng khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam cũng còn hạn chế, hơn nữa Philippin cũng là nước đang phát triển, kinh tế còn nghèo và có các điều kiện giống Việt Nam.
Đề xuất:
Việt Nam cần đặc biệt quan tâm đến thị trường gạo Philippin vì trong những năm tới Philippin vẫn còn tiếp tục phải nk gạo với khối lượng lớn. Theo thông tin Thương vụ biết được WTO đã có quyết định gia hạn cho Philippin tiếp tục duy trì áp dụng hạn ngạch nk gạo tới năm 2012 với mức thuế nk 40% (trước đây 50%). Như vậy chính sách NK gạo của Chính phủ có lẽ không có gì thay đổi trong các năm tiếp theo, năm 2007 Philippin có thể vẫn phải NK khoảng 1,6-1,8 triệu tấn. Tuy nhiên trong số lượng này, Philippin cũng phải giành khoảng 165 ngàn tấn cho các nước đã ủng hộ Philippin gia hạn áp dụng quota NK gạo, các nước đó bao gồm: Thái lan, Ấn Độ, Trung Quốc và Úc.
Các nhóm hàng cơ bản Việt Nam NK từ Philippin.
Xuất khẩu của Philippin vào Việt Nam trong những năm trước 1996- chủ yếu là phân bón (NPK), 5 năm trở lại đây từ 2001-2006 nhóm hàng điện tử tăng mạnh đưa mặt hàng phân bón xuống hàng thứ 2. Theo thống kê hàng năm 80% kim ngạch NK của Việt Nam từ Philippin bao gồm phân bón, nguyên liệu, thiết bị vận tải và hàng điện tử.