Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cần quan tâm nhu cầu khoa học công nghệ của nông dân
18 | 06 | 2007
Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại hội thảo 2 năm thực hiện chương trình phối hợp hoạt động giữa Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Khoa học Công nghệ (KH-CN) về đưa khoa học vào nông nghiệp, nông thôn, giai đoạn 2005-2010 ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Hội thảo vừa được tổ chức tại Gia Lai cuối tuần qua.

Hướng dẫn nông dân sử dụng Internet. Ảnh: Nhân Dân.

Mặc dù các Sở KH-CN trong khu vực dành khoảng 70-80% đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ nông nghiệp, nông thôn nhưng khá nhiều lĩnh vực nông dân cần vẫn chưa được đáp ứng. Trước tiên là nhu cầu thông tin. Hiện nay nông dân rất thiếu thông tin, nhất là thông tin dự báo. Vì vậy, người dân vẫn sản xuất theo lối tự phát. Thấy nông sản nào có giá thì nhiều người đổ xô vào làm mà không cần biết nhu cầu thị trường ra sao.

Sau hai năm Hội Nông dân và Bộ KH-CN triển khai chương trình phối hợp, hai bên đã khai trương Website "Khoa học cho nhà nông”, biên soạn và phát hành hàng chục vạn bản sách, tài liệu tuyên truyền; tổ chức hàng chục nghìn lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, triển khai hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học, tổ chức hội thi "Nhà nông đua tài" ở các địa phương...

Ông Vũ Ngọc Anh, Phó Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Bình Định dẫn chứng, Tây Nguyên là khu vực cà phê trọng điểm của cả nước. Cà phê là nguồn sống của hàng chục vạn hộ dân, nhưng công tác dự báo chưa được chú trọng đúng mức. Đầu năm 2006, giá cà phê tăng đột biến, nhưng người trồng không còn hàng để bán là một thí dụ. Ông Huỳnh Phước - Giám đốc Sở KH- CN Đà Nẵng cho rằng, cần thiết phải có mạng thông tin cho nông dân miền Trung - Tây Nguyên.

Công nghệ sinh học là một trong những mũi nhọn để tạo bước đột phá trong việc hiện đại hóa nông nghiệp nhưng chưa được chú trọng đúng mức. Thể hiện ở việc cải thiện chất lượng giống, cây trồng, vật nuôi ở một số lĩnh vực chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Các dự án, chương trình mục tiêu chưa đạt hiệu quả vững chắc. Đã xảy ra tình trạng hết tiền thì nông dân cũng quên luôn dự án. Rồi chuyện bắp không hạt, điều không ra trái...

Đại biểu Sở KH-CN Đắc Lắc cho rằng, việc chuyển giao tiến bộ KH-CN cần xuất phát từ điều kiện địa phương, nhu cầu của nông dân; cần tiến hành nghiên cứu, điều tra, khảo sát thực tế trước khi giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Trong quá trình chuyển giao khoa học kỹ thuật cần xem xét quy luật cung - cầu. Đối với nông dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần ưu tiên đầu tư những mô hình để khuyến cáo nhân rộng.

Ông Lê Trạc Ký - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Gia Lai - kiến nghị một vấn đề mà nông dân hiện rất quan tâm, đó là việc đưa khoa học kỹ thuật vào lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, nhất là với các ngành nghề truyền thống, nông dân khu vực miền trung Tây Nguyên, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số có nhiều ngành nghề truyền thống khá đặc sắc, song hiện chưa phát huy được bao nhiêu để nâng cao đời sống cho họ. Một số đại biểu kiến nghị những vấn đề đang đặt ra trong khu vực cần sớm được các nhà khoa học nghiên cứu như chống sạt lở đất chống lũ quét; ô nhiễm môi trường nông thôn; phát triển sản xuất bền vững trên những vùng đất mang tính đặc thù.



(Theo Nông thôn ngày nay)
Báo cáo phân tích thị trường